Phiên ngày 13/11, Quốc hội nghe về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam dự kiến nguồn vốn khoảng hơn 67,34 tỷ USD.
Ngày 13/11, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Cụ thể, tại phiên sáng Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (trong đó, có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước).
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Được biết, tổng chiều dài tuyến đường sắt này khoảng 1.541 km. Điểm đầu tuyến tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm). Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.
Quy mô đầu tư của tuyến đường sắt này là xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Trong quá trình vận hành khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn.
Hình thức đầu tư là đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD).
Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Sau đó các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tại phiên chiều, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Công an giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Từ 16 giờ 00, Quốc hội họp riêng về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Đây cũng là phiên cuối cùng của đợt 1. Từ ngày 14/11 đến hết ngày 19/11/2024, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Đợt 2 diễn ra từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024.
(Nguồn Vietnam+)