GIỚI THIỆU
CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH VIÊN
TIN TỨC - SỰ KIỆN
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online:
1934
Số lượt truy cập:
794008
Phong tục đón năm mới độc lạ của một số quốc gia trên thế giới
Cập nhật lúc: 10:08 AM, ngày 03/01/2025

Rung chuông để xua đuổi điều xấu, ăn nho để đón nhận may mắn, chọn người xông đất để khởi đầu hanh thông... Mỗi quốc gia có những truyền thống riêng để chào đón và gửi gắm hy vọng về một năm mới may mắn và thịnh vượng.

 

Mỹ: Lễ thả quả cầu ở Quảng trường Thời Đại

 

Nằm trên nóc tòa nhà One Times Square, thả quả cầu năm mới từ độ cao 43m là điểm nhấn của lễ đón giao thừa tại Quảng trường Thời đại. Bắt đầu từ năm 1907, truyền thống này đã trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu vào năm mới của người dân New York nói riêng và người Mỹ nói chung. Mỗi năm có hàng trăm nghìn người tụ tập tại Quảng trường Thời Đại và ước tính có hơn 1 tỷ khán giả truyền hình chờ đợi để xem màn thả quả cầu mang tính biểu tượng đánh dấu một năm mới đã đến.

 

Theo trang web chính thức của Quảng trường Thời đại, người đầu tiên tổ chức sự kiện này là Adolph Ochs, chủ thời báo New York Times. Đầu những năm 1940, đài NBC của Mỹ đã bắt đầu tường thuật trực tiếp buổi lễ qua cả truyền hình và radio thu hút đông đảo người theo dõi gián tiếp. Hình ảnh quả cầu được hạ dần xuống mặt đất và thời khắc đếm ngược 10 giây cuối cùng của năm cũ tại Quảng trường Thời đại luôn xuất hiện trên các phương tiên truyền thông vào ngày đầu tiên của năm mới.

 

Tuy nhiên, có hai lần nghi thức này đã bị tạm hoãn vào các năm 1942 và 1943 do yêu cầu phải tắt hết đèn vì chiến tranh. Mặc dù vậy, người dân New York khi đó vẫn tập trung tại Quảng trường Thời đại và cùng đón năm mới trong bóng tối. Trong lần vắng mặt đầu tiên của sự kiện năm 1942, The New York Times ghi nhận: "Đêm giao thừa ở Quảng trường Thời đại đêm qua có một chất lượng kỳ lạ… Có một ghi chú về sự uể oải, thiếu vắng niềm vui thực sự. Hàng ngàn người bồn chồn thiếu niềm say mê [...] Vào lúc nửa đêm, đám đông vô vọng nhìn quả bóng trắng phát sáng trượt xuống cột cờ trên đỉnh tháp New York Times".

 

 

Quả cầu pha lê ở Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ, sẵn sàng đón năm mới 2025. (Ảnh: NYC Walking Show)

 

Trong hơn 1 thế kỷ qua, quả cầu khổng lồ mang tính biểu tượng đã trải qua 6 phiên bản cải tiến, mỗi phiên bản mang một thiết kế và công nghệ hiện đại hơn. Quả cầu ban đầu có trọng lượng 317,5 kg, đường kính khoảng 1,5 m, được làm từ sắt, gỗ và gắn 100 bóng đèn công suất 25 watt. Quả cầu năm nay có tên “Món quà Kỳ thú” là phiên bản thứ 7 nặng 5.386 kg và có đường kính gần 3,7 m. Quả cầu đã được thay thế toàn bộ 2.688 mảnh pha lê lấp lánh mang đến diện mạo mới cho biểu tượng của lễ đón giao thừa toàn cầu.

 

Mẫu quả cầu năm 2025 với những đường cắt dài và một vòng tròn gần đỉnh tượng trưng cho cột cao 42 m nơi quả cầu tọa lạc, là sự tri ân dành cho tòa nhà One Times Square - biểu tượng của lễ hội giao thừa. Quả cầu năm nay còn mang ý nghĩa đặc biệt khi đây là lần cuối cùng nó được thả tại One Times Square trước khi chính thức "nghỉ hưu" và được trưng bày tại một bảo tàng vào năm 2025.


Nhật Bản: Rung chuông 108 lần

 

Nhật Bản là một trong những quốc gia Châu Á ăn Tết dương lịch và coi đây là ngày lễ lớn trong năm. Tết dương ở Nhật Bản được gọi là Omisoka. Vào đêm giao thừa, các ngôi chùa trên toàn Nhật Bản có tập tục đánh 108 tiếng chuông. Trong đó, 107 tiếng chuông đầu tiên được đánh vào đêm 31/12 và tiếng chuông cuối cùng được đánh vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Truyền thống này được gọi là "Joya no Kane". Từ "Joya" là một cách nói "đêm giao thừa" trong tiếng Nhật, trong khi từ "kane" có nghĩa là "chuông".

 

Theo giáo lý nhà Phật, con số 108 tượng trưng cho 108 tham vọng, nhục dục của con người trong suốt cuộc đời, những tham vọng mang đến nỗi đau khổ cho con người. Khi tiếng chuông cuối cùng vang lên cũng là lúc chúng sinh được gột sạch khỏi những lo âu, muộn phiền của năm cũ. Nghi thức đánh 108 tiếng chuông cũng nhằm gột rửa những tham vọng, ham muốn tầm thường, xấu xa trong lòng mỗi người. Đây có thể coi như một nghi thức thanh tẩy qua những tiếng chuông.

 

Các nhà sư thường trải qua quá trình tu hành khổ hạnh để gột bỏ những ham muốn trong tâm trí. Nghi thức Joya no Kane được cho là cũng có khả năng gột bỏ những ham muốn đó khỏi trái tim và tâm trí của những người bình thường, không trải qua quá trình tu hành như các nhà sư. Người dân Nhật Bản đến các ngôi chùa vào đêm giao thừa và lắng nghe tiếng chuông để thanh lọc tâm hồn, đón chào năm mới với một tâm hồn trong sạch, một trái tim đầy tình thương yêu sau khi đã rũ sạch mọi khổ đau, tức giận, ham muốn.

 

 

Một số ít ngôi chùa tại Nhật Bản cho phép du khách tự mình tham gia đánh chuông.

 

Thông thường, các vị sư sẽ là người đánh 108 tiếng chuông. Chỉ một số ít ngôi chùa tại Nhật Bản cho phép du khách tự mình tham gia đánh chuông. Tại Tokyo, một số ngôi chùa thu hút đám đông người dân địa phương và du khách chiêm ngưỡng nghi thức Joya no Kane như chùa Sensoji, chùa Hongwanji, chùa Zenpukuji... Chùa Todaiji tại tỉnh Nara và chùa Chion-in tại Kyoto nổi tiếng với những quả chuông khổng lồ, cần tới 17 nhà sư hợp lực để đánh chuông trong nghi thức Joya-no-Kane đêm giao thừa.

 

Tây Ban Nha: Ăn 12 quả nho may mắn

 

Vào đêm Giao thừa, mỗi người Tây Ban Nha sẽ ăn hết 12 quả nho - mỗi quả sau một tiếng chuông, để cầu may mắn trong năm mới. Theo đó, đã thành thông lệ, vào ngày cuối cùng của năm, người dân trên khắp đất nước Tây Ban Nha sẽ tập trung trước màn hình tivi hoặc tại quảng trường thành phố, trong tay cầm một cốc nho xanh. Lúc này, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn về tháp đồng hồ của Real Casa de Correos (thành phố Madrid, Tây Ban Nha).

 

Sau khi hồi chuông thứ tư vang lên sẽ là một khoảng lặng nhỏ, kế sau là chuỗi 12 tiếng chuông, mỗi tiếng cách nhau khoảng 2 giây. Người Tây Ban Nha tin rằng, nếu bạn ăn hết 12 quả nho vào cuối thời điểm của tiếng chuông cuối cùng, thì bạn sẽ gặp may mắn trong năm mới. Mỗi quả nho đại diện cho một tháng trong năm và phải được ăn ngay trong khoảnh khắc giao thời, nếu không ăn hết 12 quả nho thì coi như sẽ gặp xui xẻo.

 

 

Người Tây Ban Nha ăn 12 quả nho may mắn vào đêm giao thừa.

 

Truyền thống phổ biến này đã kéo dài được hơn một thế kỷ. Khoảng 80% "nho may mắn" đến từ thung lũng Vinalopó ở trung tâm Alicante, trên bờ biển Địa Trung Hải của Tây Ban Nha. Giống nho có tên Aledo, có vị thơm, ngon và có màu xanh trắng. Giống nho này chín muộn và thường được thu hoạch vào tháng 11 và 12.

 

Một truyền thuyết kể rằng, những người nông dân ở Alicante đã có một vụ thu hoạch bội thu trong năm 1909 và họ đã sáng tạo ra cách này để bán bớt nho của họ. Tuy nhiên, theo thông tin trên một số trang báo, truyền thống này đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước đó, vào những năm 1880. Khi đó, giai cấp tư sản ở Madrid đã bắt chước truyền thống của Pháp là ăn nho và uống rượu sâm panh vào ngày cuối cùng của năm. Không lâu sau, phong tục này đã được áp dụng bởi một số người dân nghèo, họ đã tới quảng trường để xem chuông báo hiệu năm mới và ăn nho như một sự “mỉa mai” giới thượng lưu.

 

Scotland: Xông đất đầu năm

 

Tương tự như ở Việt Nam, người Scotland quan niệm rằng người đầu tiên đặt chân tới nhà vào năm mới sẽ mang lại vận may cho chủ nhà trong suốt cả năm. Tại Scotland, tục xông đất vào ngày đầu năm mới được gọi là first footing (hay còn gọi là first foot), Trong khi đó, người đầu tiên xông đất cho chủ nhà sẽ được gọi là first footer.

 

Theo truyền thống, người khách đầu tiên nên là một người đàn ông cao ráo, tóc đen, đẹp trai sẽ được xem là những người mang lại nhiều may mắn nhất. Người xông đất thường mang đến cho chủ nhà một số món quà mang tính tượng trưng như đồng xu (tượng trưng cho của cải), than đen (tượng trưng cho sự ấm áp), bánh mì đen (tượng trưng cho sự no đủ), thậm chí là một búi tóc màu đen. Rượu whisky cũng là món quà được nhiều người lựa chọn trong dịp này.

 

 

Người xông đất thường mang đến cho chủ nhà một số món quà mang tính tượng trưng.

 

 

Tục xông đất ở Scotland được cho là bắt nguồn từ thời Viking. Trong những năm này, những người Viking tóc vàng đã cướp bóc và xâm lược khiến người Scotland rất sợ hãi khi gặp họ. Theo Historic UK, thời điểm đó, người ta quan niệm rằng một người lạ tóc vàng đến gõ cửa với một chiếc rìu lớn có nghĩa là gia chủ sẽ gặp rắc rối lớn và sẽ có một năm không mấy vui vẻ. Trái lại, nếu người đàn ông tóc sậm màu xông đất thì gia chủ mới có một năm suôn sẻ.

 

Ngày nay, tục lệ này đôi khi cũng được thực hiện bằng cách mời một vị khách rời khỏi nhà mình ngay trước nửa đêm để họ có thể gõ cửa ngay khi năm mới bắt đầu (theo The Scotsman).

 

Đức: Đổ chì đoán vận

 

Ở Đức, tất cả các lễ hội đêm Giao thừa đều tập trung vào một hoạt động được gọi là Bleigießen (hay còn gọi là đổ chì). Bằng việc sử dụng ngọn lửa từ ngọn nến, mỗi người nung chảy một mẩu chì hoặc thiếc nhỏ và đổ vào một thùng nước lạnh. Hình dạng mà viên chì hoặc thiếc tạo thành được cho là tiết lộ số phận của người đó trong năm mới.


 

Hình dạng mà viên chì hoặc thiếc tạo thành được cho là tiết lộ số phận của người đó trong năm mới.

 

Người ta quan niệm, nếu như nó là hình một quả bóng, đồng nghĩa rằng vận may sẽ đến với bạn. Nếu là hình dạng của một mỏ neo (der Anker) có nghĩa là sự giúp đỡ sẽ đến khi bạn cần. Nếu là hình trái tim hoặc chiếc nhẫn thì bạn sẽ có tin mừng về cưới xin, hình một con tàu thì bạn sẽ phải đi xa, hình con lợn nghĩa là bạn sẽ được thưởng thức những món ăn ngon… Tuy nhiên, nếu hình dáng đó giống với cây thánh giá (das Kreuz), có thể bạn sẽ phải đối mặt với điềm xấu.

 

Ngày nay, nhiều bộ dụng cụ đổ chì được rao bán để người dân có thể thực hiện phong tục một cách dễ dàng hơn. Trong bộ này có một chiếc thìa, một số chì được tạo thành các hình, một biểu đồ để giúp giải thích các hình dạng và một bài thơ. Một số người thậm chí còn thử dùng sáp để thay thế.

 

Theo Thời đại


Các tin khác:

Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc: Nhịp cầu lịch sử kết nối thế hệ trẻ Việt - Trung

CHÀO NĂM ĐẶC BIỆT 2025!

8 sĩ quan quân đội nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Tầm vóc đối ngoại mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Người Việt tại Lào vui Xuân đoàn kết, hướng về đất nước quê hương

Công ước Hà Nội mở ra một chương mới trong hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống tội phạm mạng toàn cầu

Nhật Bản viện trợ thiết bị rà phá bom mìn trị giá 500 triệu Yên cho Việt Nam

Sinh viên Việt Nam - Trung Quốc giao lưu, trải nghiệm văn hóa

Đoàn các Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh

Cuộc sống mới của những cư dân Lào nhập quốc tịch Việt Nam

TÌM KIẾM

VĂN BẢN MỚI
Quyết định 2418/QĐ-BTNMT năm 2010 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 - 2015

LỊCH
   

LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TỈNH PHÚ THỌ

 

 

 

Địa chỉ: Số 2187, đường Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ)

 

Điện thoại: 02103 851.555

 

Email: lhhnphutho@gmail.com