Từ ngày 19 - 21/7/2025, 10 trí thức trẻ Việt Nam đại diện cho cộng đồng tri thức người Việt tại Nhật Bản sẽ về nước tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, diễn ra tại Hà Nội với chủ đề: “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Trước thềm sự kiện, nhiều đại biểu đã chia sẻ với Tạp chí Thời Đại những đề xuất thiết thực nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Đại học Kyoto (Nhật Bản), nhấn mạnh rằng để hiện thực hóa khát vọng trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử, Việt Nam cần một chiến lược bài bản trong phát triển đội ngũ trí thức trẻ chất lượng cao.

TS Võ Văn Tuấn (ĐH Kyoto, Nhật Bản). (Ảnh: NVCC)
Theo đó, bên cạnh việc mời các chuyên gia Việt kiều hoặc nhà khoa học quốc tế tham gia các dự án ngắn hạn, cần có các chính sách dài hạn nhằm thu hút và giữ chân nhân tài. Cụ thể, Tiến sĩ Tuấn đề xuất triển khai chương trình “Tài năng AI & Quantum Việt Nam” - một sáng kiến hỗ trợ toàn diện dành cho nghiên cứu sinh và hậu tiến sĩ dưới 35 tuổi, bao gồm cả người Việt ở nước ngoài. Chương trình không chỉ cấp học bổng toàn phần mà còn hỗ trợ quỹ nghiên cứu cá nhân, đồng thời tạo điều kiện về nhà ở ưu đãi cho các nhà khoa học Việt kiều tại các trung tâm công nghệ lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

TS Đinh Hùng Cường, Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển Viện Hóa học nước biển Kitakyushu (Nhật Bản). (Ảnh: NVCC)
Theo Tiến sĩ Đinh Hùng Cường, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Viện Hóa học nước biển, thành phố Kitakyushu (Nhật Bản): “Nhà nước và các doanh nghiệp lớn cần phối hợp xây dựng các khu sản xuất theo mô hình OEM (sản xuất thiết bị gốc), để các ý tưởng khoa học, các sáng kiến về sản phẩm có thể nhanh chóng được chuyển hóa thành sản phẩm phục vụ đời sống, rút ngắn thời gian từ nghiên cứu đến sản xuất".
Tiến sĩ Đinh Hùng Cường đề xuất tăng cường kết nối với đội ngũ nhà khoa học gốc Việt trên toàn cầu, thông qua việc cải thiện cơ chế cấp visa, đầu tư trang thiết bị, tạo điều kiện nghiên cứu thuận lợi hơn. Ông cũng bày tỏ mong muốn được đóng góp lâu dài cho Việt Nam thông qua các chương trình cố vấn, hợp tác nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển hệ sinh thái công nghệ cao tại các trung tâm khoa học trong nước.
Tiến sĩ Phùng Đức Lực, Đại học Yamagata (Nhật Bản) đề xuất tích hợp mô hình nông nghiệp tuần hoàn vào thực tiễn tại Việt Nam. “Mô hình này cho phép tái sử dụng hiệu quả, an toàn và bền vững các nguồn tài nguyên như nước, dinh dưỡng và năng lượng. Tôi cho rằng đây là thời điểm vàng để áp dụng tại những vùng trọng điểm như Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long", TS. Lực chia sẻ.

TS. Phùng Đức Lực, Đại học Yamagata (Nhật Bản) trong một buổi chia sẻ. (Ảnh: NVCC).
Ông bày tỏ mong muốn được kết nối với các nhà hoạch định chính sách, cơ quan thực thi và đối tác nghiên cứu tại Việt Nam nhằm đưa mô hình vào ứng dụng thực tế, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, một môi trường sống an lành, một nền kinh tế tuần hoàn hiệu quả và một xã hội phát thải carbon thấp. Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI không chỉ là dịp để các trí thức trẻ chia sẻ sáng kiến, đề xuất chính sách phát triển, mà còn đóng vai trò là kênh tham vấn chiến lược cho các cơ quan hoạch định chính sách trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đây cũng là cơ hội để tăng cường kết nối giữa trí thức trong và ngoài nước, thúc đẩy hình thành các mạng lưới hợp tác bền vững, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng và phát triển nhanh, bền vững. Sự hiện diện của đoàn trí thức trẻ Việt Nam từ Nhật Bản không chỉ thể hiện tinh thần phụng sự Tổ quốc của kiều bào, mà còn mang theo tri thức, kinh nghiệm quốc tế nhằm đóng góp các hiến kế thực tiễn cho quá trình phát triển đất nước.
Theo tạp chí Thời Đại