Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn dành thời gian tìm hiểu quy luật tự nhiên để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Qua đó Bác hiểu rõ thế giới tự nhiên gắn bó mật thiết với con người và mùa Xuân là mùa sinh sôi nảy nở của con người cũng như vạn vật động vật thực vật. Bác nói: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, đời người khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước”. Bác coi rừng quý như vàng và căn dặn: “Chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Từ đó, Bác luôn quan tâm nhắc nhở cán bộ và nhân dân chăm lo trồng cây gây rừng, gắn việc chăm lo trồng cây trồng rừng với chăm lo trồng người.
Tết trồng cây nhớ Bác Bác Hồ trồng cây đa trên đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì ngày 16/2/1969 (tức ngày mùng Một Tết Kỷ Dậu). Ảnh: Tư liệu
Không chỉ căn dặn trực tiếp khi đi thăm và làm việc ở các địa phương, các ngành và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, Bác Hồ còn viết nhiều bài tuyên truyền trên báo chí. Trong bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà” đăng trên báo Nhân dân ra ngày 30/5/1959, Bác viết:
“Muốn làm nhà cửa tốt. Phải ra sức trồng cây Chúng ta chuẩn bị từ rày. Dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nhà”.Mấy tháng sau, ngày 28/11/1959, Bác viết bài “Tết trồng cây”, đăng trên báo Nhân Dân số 2082 với bút danh Trần Lực. Trong bài báo, Bác “đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”, theo Bác: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Bác kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh.
Tết Nguyên đán Canh Tý 1960 là Tết đầu tiên cán bộ và nhân dân miền Bắc hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ đó đã khởi nguồn cho một mỹ tục hết sức có ý nghĩa về kinh tế và xã hội của nhân dân ta. Để trồng cây thực sự mang lại lợi ích môi trường và kinh tế- xã hội, Bác căn dặn rất cụ thể. Người nói: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió” (Lời căn dặn của Bác khi tới thăm và nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô, Quảng Ninh, năm 1961). Người còn chỉ rõ: “Tết trồng cây cũng như mọi việc khác, các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo cụ thể và chặt chẽ thì sẽ thành công”, phải “có kế hoạch làm cho mọi người tham gia trồng cây. Làm sao cho người trồng cây cũng có lợi. Như vậy mọi người sẽ phấn khởi trồng cây.
Thanh niên nên chuẩn bị một kế hoạch trồng cây: Trồng ở đâu? Trồng bao nhiêu? Trồng cây gì”...; “Phải nắm đúng nguyên tắc xem trọng chất lượng, nghĩa là trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng quá nhiều, mà không ra sức bảo vệ và chăm nom cây; đồng thời, “thực hiện “Tết trồng cây” một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc”. Phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng; trong đó, thanh niên là lực lượng nòng cốt phụ trách việc trồng cây; “đồng thời, phải kết hợp với lực lượng các cụ phụ lão và các cháu thiếu nhi”. Cấp ủy, chính quyền, ban, ngành phải đôn đốc, thường xuyên nhắc nhở, rút kinh nghiệm và cần nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong phong trào “Tết trồng cây”.
Cùng với trồng cây, gây rừng gắn với bảo vệ rừng, Bác nhắc nhở “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng... Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”. Trong “Di chúc” của Bác để lại muôn vàn tình thương cho cán bộ và nhân dân ta, Bác vẫn đau đáu mối quan tâm phát triển kinh tế đồi rừng. Bác thấu hiểu khi nhiều nơi vẫn diễn ra nạn phá rừng và khai thác rừng bừa bãi gây hậu quả đau lòng “Ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” và là nguyên nhân “gây ra lũ lụt và hạn hán”. Từ đó Bác căn dặn “nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm.
Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”. Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi, quê hương Đất Tổ lưu dấu chín lần Bác Hồ về thăm và làm việc. Hơn 60 năm qua tỉnh Phú Thọ đã có nhiều hoạt động tích cực hưởng ứng Tết trồng cây và phong trào trồng cây trồng rừng làm theo lời Bác Hồ dạy và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ từ các mô hình kinh tế đồi rừng. Nhiều hộ dân thoát nghèo từ làm kinh tế rừng. Trong nhiều năm qua tỉnh Phú Thọ kiên trì thực hiện định hướng phát triển toàn diện cả về kinh tế - xã hội; hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Tết trồng cây đã trở thành mỹ tục của nhân dân và cán bộ trong tỉnh. Và mỗi độ Xuân về người người, ngành ngành lại ra sức thi đua trồng cây để tưởng nhớ tới công ơn của Bác Hồ kính yêu.
Theo Báo Phú Thọ