GIỚI THIỆU
CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH VIÊN
TIN TỨC - SỰ KIỆN
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online:
305
Số lượt truy cập:
346913
Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Du Yến
Cập nhật lúc: 3:08 PM, ngày 11/03/2024

Tháng 11/2023, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, ban hành Quyết định công nhận Lễ hội Đền Du Yến - xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia; ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản; là động lực quan trọng để Thanh Ba tiếp tục xây dựng nền văn hoá giàu bản sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo nên sức sống mới cho huyện nông thôn mới.

 

 

 

 

 

 

Múa tiên trong Lễ hội Đền Du Yến.

 

 

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, từ thời Vua Hùng dựng nước cho đến nay, Thanh Ba vẫn lưu giữ được dấu ấn của những buổi đầu bình minh dựng nước của dân tộc. Trên địa bàn huyện có 19 di tích lịch sử văn hoá, trong đó hai di tích cấp Quốc gia (Đền Du Yến, xã Chí Tiên và Đình - Đền Mạo Phổ, xã Lương Lỗ) và 17 di tích cấp tỉnh. Hàng năm, trên địa bàn tổ chức 17 lễ hội với những đặc trưng tiêu biểu của vùng Trung du miền núi và đồng bằng Sông Hồng.

 

 

Trong đó, đặc sắc nhất phải kể tới là Lễ hội Đền Du Yến, xã Chí Tiên. Đền Du Yến hay còn gọi là Đền Mẫu thuộc khu Bổng Châu Thượng, nay thuộc khu 2, xã Chí Tiên. Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Hạnh - vị tướng tài giỏi thời Hai Bà Trưng, có công lớn phò tá Hai Bà đánh tan quân Hán xâm lược. Năm 1993, Đền được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật Quốc gia.

 

 

  

 

 

Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Du Yến Rước kiệu Quốc Mẫu.

 

 

Trong suốt gần 2000 năm qua, trải qua bao biến thiên của lịch sử, người dân Chí Tiên vẫn chiểu theo sắc phong của các đời vua, nhang khói thờ phụng Quốc Mẫu Đại Vương (sắc phong bà Nguyễn Thị Hạnh dưới thời Vua Lê Hiển Tông) với nhiều kỳ tiệc lệ trong năm. Trong đó tiêu biểu nhất là vào dịp Rằm tháng Giêng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham dự. Sự kiện văn hoá cộng đồng đó dần trở thành một lễ hội lớn của người dân Chí Tiên nói riêng, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ nói chung, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ trẻ.

 

 

 

 

 

Lễ hội Đền Du Yến được tổ chức trang trọng cả phần lễ và phần hội.

 

 

Phần lễ được tổ chức gồm năm bước: Lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ cáo yết, lễ rước kiệu, lễ dâng hương và tế thần. Trong kháng chiến chống Pháp, lễ hội bị gián đoạn. Hòa bình lập lại, lễ hội - Lễ rước Mẫu đã được phục dựng đầy đủ và được gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay, trở thành một biểu tượng văn hoá của huyện Thanh Ba. Trong đó, đặc sắc phải kể tới là điệu múa tiên. Gốc của múa tiên là múa sinh tiền. Điệu múa này khá phổ biến ở nhiều lễ hội làng quê vùng Đất Tổ, nhưng múa cánh tiên ít nơi có, trở thành một hình thức nghệ thuật dân gian khá độc đáo và lý thú của Chí Tiên, Thanh Ba. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: Thi giã bánh giầy, văn nghệ, tổ tôm, chọi gà, bóng chuyền nam, nữ và cờ tướng...

 

 

Luôn xác định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, nhận thức sâu sắc về giá trị của di sản văn hoá, lễ hội trong đời sống nhân dân; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Ba đã kịp thời triển khai nhiều biện pháp cụ thể để phát huy di sản. Khi được công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, Đền Du Yến đã được quy hoạch diện tích đất di tích theo quy định, được đại trùng tu khang trang, uy nghiêm.

 

 

Đến năm 2023, Đền tiếp tục được quy hoạch lại, mở rộng diện tích, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân. Công tác phục dựng và thực hành lễ hội Đền Du Yến luôn được ưu tiên, quan tâm gìn giữ, từ phần lễ truyền thống tới những hoạt động có phần đổi mới của phần hội, với phương châm “lấy người dân là trung tâm, là chủ thể”, "biến di sản thành tài sản”. Bằng cách đó, tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn và ngày càng lan tỏa.

 

 

 

 

 

 Đoàn múa tiên cùng đoàn rước kiệu ra bến sông thực hiện nghi thức lấy nước thiêng.

 

 

Nhờ đó, những năm gần đây, Lễ hội Đền Du Yến ngày càng nhận được sự quan tâm và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương. Từ những ngày đầu tháng Giêng, người dân địa phương đã nô nức chuẩn bị nguyên vật liệu, luyện tập giã bánh giầy; luyện tập thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ với các điệu hát, điệu múa dân ca, hát Xoan... để tham gia các hoạt động phần hội của Lễ hội và so tài với các đơn vị bạn trong toàn huyện.

 

 

Lễ hội Đền Du Yến đã thực sự trở thành một sự kiện văn hoá lớn của xã Chí Tiên nói riêng, huyện Thanh Ba nói chung vào mỗi dịp đầu Xuân. Lễ hội Đền Du Yến được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia là sự tôn vinh, ghi nhận vô cùng xứng đáng đối với những quyết tâm, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền; những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của nhân dân địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.

 

 

Cùng với đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Ba lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Với sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Thanh Ba đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.

 

 

Từ một vùng đất còn nhiều khó khăn, Thanh Ba vươn mình trở thành huyện trung tâm có công nghiệp, dịch vụ phát triển, kinh tế phát triển hài hoà, bền vững, giàu bản sắc văn hoá. Cùng với các chính sách phát triển chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng; việc quan tâm, đầu tư đúng mức tới hoạt động văn hoá, đặc biệt là phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, hoà nhập với đời sống đương đại đã và đang giúp huyện Thanh Ba “thay da đổi thịt” từng ngày, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới.

 

 

                                                                                 Nguyễn Chí Thành

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba

 

Theo Báo Phú Thọ 


Các tin khác:

Báo cáo Nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Việt Nam cam kết thúc đẩy hoàn thành Các mục tiêu phát triển bền vững

Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Gần 70 đại biểu kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024

Ngày 7/5, Tòa phúc thẩm Paris sẽ xét xử vụ kiện chất độc da cam của bà Trần Tố Nga

Đem hương vị nem cuốn Việt đến với bạn bè quốc tế ở châu Phi

Hiệp định Geneve là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam

Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines hợp tác thực thi pháp luật trên biển

Đại sứ Yamada Takio: Dù ở cương vị nào cũng sẽ nỗ lực, ủng hộ cho phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản

Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả tại Tuần lễ văn hóa các nước nói tiếng Tây Ban Nha

TÌM KIẾM

VĂN BẢN MỚI
Quyết định 2418/QĐ-BTNMT năm 2010 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 - 2015

LỊCH
   

LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TỈNH PHÚ THỌ

 

 

 

Địa chỉ: Số 2187, đường Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ)

 

Điện thoại: 02103 851.555

 

Email: lhhnphutho@gmail.com