Bắc Úc là bang có diện tích lớn thứ 3 và là cửa ngõ giao thương gần nhất của Australia với khu vực châu Á Thái Bình Dương và ASEAN. Đây là nơi có rất nhiều tiềm năng phát triển, thế mạnh, cũng như sự tương đồng và tính bổ trợ rất tốt với Việt Nam, nhưng chưa được đánh giá đúng mực và khai thác đúng tầm.
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo "Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc năm 2024" diễn ra vào ngày 28/3 tại Hà Nội. Hội thảo do tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc (NTVBC) tổ chức với sự bảo trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE). Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Tổng cục dạy nghề Việt Nam, đại diện các cơ quan chức năng của chính quyền Bắc Úc và cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Úc, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp...
Hội thảo "Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc năm 2024". (Ảnh: nhadautu.vn)
Tiềm năng hợp tác đầu tư lớn Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư cụ thể giữa Việt Nam và Bắc Úc; những thuận lợi và thách thức; đề xuất các giải pháp nhằm hiện thực hóa các dự án hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Bắc Úc trong các lĩnh vực.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực VAFIE, kết quả các chuyến thăm và khảo sát tại Bắc Úc của lãnh đạo VAFIE và NTVBC cho thấy tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Bắc Úc là rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực như: giáo dục và đào tạo nghề nhằm xuất khẩu lao động Việt Nam có tay nghề cao sang Bắc Úc; nông nghiệp, nhất là chăn nuôi và chế biến thịt; logistics, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng; phát triển các dự án năng lượng mặt trời... Chính quyền Bắc Úc ủng hộ và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại giữa doanh nghiệp hai bên.
Nắm bắt các cơ hội nói trên, từ tháng 9/2021, VAFIE và NTVBC đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược để cùng nhau thúc đẩy quan hệ giao thương và hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Bắc Úc. Tuy nhiên, theo lãnh đạo VAFIE, do việc triển khai kế hoạch hành động chậm so với dự kiến, trong đó có ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc triển khai các dự án hợp tác Việt Nam - Bắc Úc về thương mại, du lịch, đầu tư và giáo dục chậm so với dự kiến.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE, Chủ tịch NTVBC đề xuất để khai thác tốt tiềm năng khu vực Bắc Úc, doanh nghiệp Việt có thể ưu tiên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà chính quyền địa phương quan tâm, như: Giáo dục và đào tạo nghề, vật liệu xây dựng, năng lượng, du lịch, nông nghiệp…Ví dụ trong mảng nông nghiệp, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào về trâu, bò nuôi thả tự nhiên tại Bắc Úc để hợp tác đầu tư lò mổ và xẻ khối cấp đông nhập khẩu về Việt Nam, sau đó gia công chế biến và tiêu thụ tại Việt Nam và các nước lân cận.
Một số các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư ngay trong năm 2024 gồm: giáo dục và đào tạo nghề; thịt đỏ (trâu, bò, lạc đà, cừu, kangaroo…) hợp tác với Tập đoàn CAG của Australia; trung tâm trưng bày và phân phối sản phẩm Việt Nam tại Darwin như: vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng thực phẩm đóng gói; thủ công mỹ nghệ; du lịch đánh golf, săn bắn, câu cá, đua ngựa. Bên cạnh đó, hai bên có thể hợp tác trong lĩnh vực logistics. Doanh nghiệp cũng có thể tham gia cung cấp vật tư, nguyên liệu, thi công lắp đặt solar farm tại Bắc Úc.
Với mục tiêu netzero vào năm 2050, Bắc Úc đã và đang triển khai rất nhiều dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Một trong những dự án mang tầm châu lục là dự án Australia Asia Power Link (AAPL), với tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD, tạo 1.500 việc làm trực tiếp… Dựa trên diễn biến của tình hình hai bên trong bối cảnh biến động toàn cầu, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư như đã đề xuất ở trên cũng sẽ được cập nhật và thay đổi để phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế.
Từ góc độ Bắc Úc, ông Jason Hanna, Phó chủ tịch NTVBC nhận định các doanh nghiệp ngoại còn nhiều cơ hội đầu tư sang Bắc Úc, đặc biệt là trong nông nghiệp. Ông tin tưởng rằng cơ hội hợp tác về nông nghiệp, chế biến xuất khẩu của Việt Nam - Bắc Úc còn rất lớn. “Tôi được biết Việt Nam rất thích thịt bò Úc, còn chúng tôi lại rất thích phở bò Việt Nam - đó cũng là một cơ hội lớn. Chúng ta còn nhiều cách thức khác để mở cơ hội hợp tác giữa Việt Nam - Bắc Úc”, ông Jason Hanna đánh giá.
Mong sớm có đường bay thẳng từ Việt Nam sang Bắc Úc Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn nhiều rào cản ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang khu vực Bắc Úc. Việc thiếu đường bay thẳng, đường vận tải thẳng từ Việt Nam sang Bắc Úc mà phải vòng xuống khu vực Melbourne, Sydney rồi vòng ngược lại Bắc Úc khiến quá trình vận chuyển, trao đổi kinh tế thương mại và giáo dục khó khăn. Ngoài ra, lãnh đạo chính quyền Bắc Úc coi trọng Việt Nam nhưng doanh nghiệp hai bên chưa biết nhiều về nhau. Thời gian vừa qua, phía Úc cũng siết chặt chính sách visa với du học sinh, khách du lịch, người lao động nước ngoài.
Ông Jason Hanna, Phó chủ tịch NTVBC Ông Jason Hanna, Phó chủ tịch NTVBC phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: nhadautu.vn)
Để thúc đẩy hoạt động đầu tư giữa hai bên, ông Jason Hanna mong muốn sẽ sớm có chuyến bay thẳng từ Việt Nam sang Bắc Úc. Trong khi đó bà Nguyễn Thanh Hà, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Bắc Úc nói rằng doanh nghiệp của hai nước cần tổ chức nhiều hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu thường xuyên hơn nữa. "Việc giao lưu trong thời gian tới giữa Bắc Úc và Vabis cần có tầm nhìn dài hơi, xây dựng chương trình 3 năm chứ không phải chỉ trong 1 năm. Ngoài ra, khi doanh nghiệp đầu tư một địa bàn nào đó có thể tiếp cận đại diện ở nước ngoài để có thể hỗ trợ tìm kiếm đối tác phù hợp hơn, song trước hết, bản thân mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm cơ quan đại diện phù hợp để đáp ứng được nhu cầu", bà Hà khuyến nghị.
Bà thông tin thêm: “Có một tin vui đó là, khi bà con sang đến Úc làm ăn cơ hội thành công rất lớn, đóng góp thuế cho Chính phủ Úc rất lớn, do đó họ rất trân trọng. Ở Bắc Úc, sinh viên Việt Nam có thể xin được visa, quốc tịch rất tốt hoặc những người đầu tư kinh doanh ở Bắc Úc thường thành công cao hơn là thất bại”.
Theo tạp chí Thời Đại