Trong năm 2024, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiến hành đổi mới phương pháp và hình thức vận động viện trợ, đa dạng hóa đối tác vận động viện trợ và vận động chính trị.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) năm 2024 diễn ra ngày 12/4/2024 tại Hà Nội và trực tuyến 63 điểm cầu địa phương. Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Ủy ban) chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện các cơ quan tham gia cơ chế Ủy ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức nhân dân, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, lãnh đạo các sở, ngành phụ trách công tác PCPNN tại địa phương.
Hội nghị giao ban công tác PCPNN năm 2024 diễn ra ngày 12/4/2024 tại Hà Nội và trực tuyến 63 điểm cầu địa phương. (Ảnh: Đinh Hòa)
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban cho biết, năm 2023, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện những nhân tố mới, tác động đa chiều đến môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia.
Hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang bị thách thức bởi các cuộc xung đột, chạy đua vũ trang, tập hợp lực lượng. Đại dịch COVID-19 đã qua đi nhưng tác động còn kéo dài đến các vấn đề kinh tế, xã hội, nhân đạo... Xung đột Nga – Ukraine, gần đây là xung đột Hamas - Israel và các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng đặt ra những thách thức không nhỏ với các quốc gia.
Kinh tế thế giới năm 2023 phục hồi chậm, lạm phát tăng cao, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nguy cơ nợ công, bất ổn tài chính. Bối cảnh này khiến các nền kinh tế lớn, các quốc gia tài trợ phải tập trung nguồn lực ứng phó, gây ảnh hưởng đáng kể đến chính sách và nguồn lực dành cho viện trợ nhân đạo và phát triển.
Năm 2023 giá trị viện trợ của các tổ chức PCPNN và các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam đạt hơn 228,6 triệu USD, tăng 4,9 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 giá trị viện trợ đạt 223,7 triệu USD). “Giá trị viện trợ của các tổ chức PCPNN dành cho Việt Nam gia tăng trong năm 2023 thể hiện nỗ lực lớn của cơ quan thường trực của Ủy ban, của các bộ ngành địa phương trong việc phối hợp vận động, tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện các dự án PCPNN.
Bên cạnh đó, việc triển khai hoạt động của các tổ chức PCPNN là phần đóng góp lớn trong công tác đối ngoại, đặc biệt là công tác đối ngoại nhân dân. Qua đó thể hiện sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè quốc tế đối với các nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước” – bà Hằng đánh giá.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Đinh Hòa)
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2023, các cơ quan tham gia cơ chế Ủy ban và các bộ, ngành, địa phương có nhiều đổi mới, bảo đảm việc triển khai thực hiện công tác PCPNN được duy trì và đạt nhiều kết quả tốt. Cụ thể công tác quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tiếp tục được bảo đảm thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong Uỷ ban, các bộ, ngành, địa phương.
Công tác tham mưu xây dựng chính sách hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ được quy định tại Nghị định 58/2022/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về thẩm định hồ sơ cấp Giấy đăng ký cho các tổ chức PCPNN, quy định của Nghị định 80/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về thẩm định chương trình/dự án, khoản viện trợ theo và cấp phép cho các tổ chức PCPNN tổ chức hội nghị/hội thảo/tập huấn quốc tế tại Việt Nam.
Đáng chú ý, công tác thực hiện các thủ tục hành chính có nhiều đổi mới, được giải quyết nhanh, hiệu quả hơn (số lượng hồ sơ Giấy đăng ký được xử lý năm 2023 tăng 60% so với năm 2022). Công tác quản lý, giám sát hoạt động PCPNN tại địa phương tiếp tục được quan tâm, tăng cường. Công tác quan hệ vận động viện trợ tiếp tục có những đổi mới trong phương thức, hình thức trao đổi, định hướng hoạt động viện trợ, chủ động tăng cường kết hợp giữa vận động chính trị với vận động viện trợ.
Trong năm 2024, Ủy ban sẽ tiếp tục phổ biến, quán triệt Chỉ thị 19/CT-TW, Kết luận 98-KL/TW và Chỉ thị 12/CT-TW của Ban Bí thư về yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, trong đó có yêu cầu nâng cao hiệu quả hợp tác PCPNN cho các cấp, ngành và địa phương.
Hoàn thiện các quy trình, tổ chức hướng dẫn triển khai, thực hiện các thủ tục hành chính theo đúng quy định, tập trung cải thiện, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của TCPCPNN. Bên cạnh đó, Uỷ ban cũng sẽ thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan bộ, ngành, tổ chức nhân dân, giữa trung ương và địa phương, tăng cường phối hợp với các TCPCPNN và địa phương.
Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành, giữa trung ương và địa phương trong quản lý, giám sát hoạt động và vận động viện trợ PCPNN. Uỷ ban cũng xác định sẽ tiến hành đổi mới phương pháp và hình thức vận động viện trợ, đa dạng hóa đối tác vận động viện trợ và vận động chính trị để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong các vấn đề đối ngoại, hòa bình, đoàn kết, hữu nghị.
Hội nghị xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Uỷ ban trong năm 2024 là tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ V về tăng cường hợp tác với các tổ chức PCPNN và các đối tác phát triển. Đây là cơ hội để Ủy ban nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý và vận động viện trợ, bảo đảm lợi ích và phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo Thời Đại