Ngày 15/5 tại New York đã diễn ra phiên họp cấp đại sứ của Nhóm bạn bè về giáo dục và học tập trọn đời. Tham dự phiên họp có Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Amina J.Mohammad, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) về Giáo dục Stefania Giannini cùng Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và đại diện của gần 30 nước thành viên LHQ.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang. Ảnh: Thanh Tuấn/Phóng viên TTXVN tại Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Phó Tổng Thư ký Amina J.Mohammad đã ghi nhận vai trò quan trọng của Nhóm bạn bè trong việc thúc đẩy vấn đề giáo dục trong chương trình nghị sự của LHQ, nhấn mạnh cần tập trung vào đảm bảo tài chính cho giáo dục, quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, tận dụng chuyển đổi số trong giáo dục để đưa việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 4 về giáo dục trở lại đúng quỹ đạo.
Đại diện các nước thành viên Nhóm bạn bè cũng đã chia sẻ về các ưu tiên trong thúc đẩy giáo dục tại các diễn đàn LHQ thời gian tới. Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực của Hội đồng chấp hành UNESCO luôn ủng hộ vai trò của UNESCO trong thúc đẩy giáo dục trên toàn cầu.
Đại sứ đánh giá cao việc Nhóm bạn bè đã thúc đẩy nhiều nội hàm, cam kết quan trọng liên quan đến giáo dục trong dự thảo Văn kiện Hội nghị Thưởng đỉnh Tương lai, sự kiện quan trọng nhất của LHQ trong năm 2024 và đề xuất nhóm tiếp tục thúc đẩy lập trường chung tại các khuôn khổ khác.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng đề xuất khả năng tổ chức các hoạt động của Nhóm với các nước thành viên LHQ khác đề tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin về các hoạt động quan trọng, sáng kiến và kinh nghiệm, thực tiễn của mỗi nước về giáo dục.
Nhóm bạn bè về giáo dục và học tập trọn đời được thành lập từ năm 2020 nhân dịp Ngày quốc tế về giáo dục 24/1 và hiện có gần 50 thành viên. Nhóm bạn bè hoạt động với mục đích thúc đẩy vấn đề giáo dục trong chương trình nghị sự của LHQ, cũng như chia sẻ các sáng kiến, thực tiễn tốt về đảm bảo quyền giáo dục của các nước thành viên.
Theo tạp chí Thời Đại