Hội đồng châu Âu (EC) vừa thông qua hiệp ước quốc tế đầu tiên mang tính ràng buộc về mặt pháp lý liên quan các quy định quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Hội đồng châu Âu (EC) cho biết hiệp ước khung về trí tuệ nhân tạo (AI) đặt ra khung pháp lý đối với tất cả các giai đoạn trong quá trình phát triển và sử dụng các hệ thống AI. Đồng thời giải quyết những rủi ro tiềm ẩn của AI và thúc đẩy sự đổi mới công nghệ một cách có trách nhiệm. EC nhấn mạnh rằng, các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể tham gia hiệp ước này.
Hiệp ước AI đã được thông qua tại hội nghị thường niên của Ủy ban Bộ trưởng Hội đồng châu Âu, với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao của 46 quốc gia thành viên.
Tổng Thư ký EC Marija Pejcinovic
Tổng Thư ký EC Marija Pejcinovic cho rằng, hiệp ước khung về AI có thể giúp bảo đảm việc sử dụng AI có trách nhiệm, tôn trọng nhân quyền, pháp quyền và dân chủ. Hiệp ước này nhằm thiết lập các yêu cầu về tính minh bạch và giám sát phù hợp với bối cảnh và rủi ro cụ thể, bao gồm việc xác định nội dung do hệ thống AI tạo ra.
Công ước này là kết quả 2 năm làm việc của một cơ quan liên chính phủ, quy tụ 46 quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) và 11 quốc gia không phải thành viên EU - trong đó có Mỹ, cũng như đại diện của giới học giả.
Theo dự kiến, hiệp ước khung về AI sẽ được ký kết tại một hội nghị của các bộ trưởng tư pháp EU ở thủ đô Vilnius (Litva) vào tháng 9/2024. Hồi tháng 3/2024, Nghị viện châu Âu đã thông qua các quy tắc quản lý việc sử dụng AI, đặc biệt là các hệ thống AI đang thịnh hành như ChatGPT của công ty OpenAI.
EC nêu rõ, các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể tham gia hiệp ước này. Các bên ký kết sẽ phải bảo đảm trách nhiệm giải trình về những tác động tiêu cực và về việc hệ thống AI tôn trọng bình đẳng, bao gồm bình đẳng giới, cấm phân biệt đối xử và quyền riêng tư.
Bên cạnh đó, hiệp ước yêu cầu mỗi bên thành lập một cơ chế giám sát độc lập để theo dõi việc tuân thủ hiệp ước. Đồng thời nâng cao nhận thức, khuyến khích tranh luận tích cực công khai và tiến hành tham vấn nhiều bên liên quan về cách sử dụng công nghệ AI.
Châu Âu thông qua hiệp ước quốc tế đầu tiên về AI 3 Các nước chung tay xây dựng hành lang pháp lý nhằm kiểm soát AI Theo nghiên cứu của nền tảng trực tuyến Đức chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu Statista, thị trường AI toàn cầu sẽ tăng trưởng 54% mỗi năm.
Theo giới chuyên gia, đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Do đó, việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm kiểm soát và ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn từ AI ngày càng cấp thiết.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã công bố thành lập Ban cố vấn AI. Với 39 thành viên là các giám đốc công ty, quan chức chính phủ và các học giả, ban cố vấn có nhiệm vụ đưa ra hướng quản lý AI ở tầm quốc tế. Liên hợp quốc khẳng định các công nghệ AI cần được giám sát chặt chẽ, cho dù công nghệ phát triển đến mức nào cũng phải bảo đảm khía cạnh quyền con người luôn là yếu tố trung tâm.
Trong khi đó, các quan chức Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã thống nhất về Bộ Quy tắc ứng xử 11 điểm dành cho các công ty phát triển AI, hướng dẫn quản lý những hệ thống AI tiên tiến nhất và hệ thống AI tạo sinh.
Tháng 12/2023, 18 quốc gia bao gồm Anh, Australia, Canada, Chile, CH Czech, Estonia, Pháp, Đức, Israel, Italy, Nhật Bản, New Zealand, Nigeria, Na Uy, Ba Lan, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ đã thống nhất thỏa thuận dài 20 trang.
Tài liệu đưa ra các hướng dẫn mới về phát triển an toàn hệ thống AI. Qua đó, giúp các nhà phát triển của bất kỳ hệ thống nào sử dụng AI đưa ra quyết định sáng suốt về an ninh mạng ở mọi giai đoạn của quá trình phát triển. Nó áp dụng cho dù kế hoạch được phát triển từ đầu, hay được xây dựng bằng cách sử dụng các công cụ và dịch vụ do các nguồn bên ngoài cung cấp.
Theo tạp chí Thời Đại