Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh).
Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học Việt Nam và Trung Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng các cung điện và phát huy các giá trị của các di sản ở Bắc Kinh và Hà Nội tại Toạ đàm “Bắc Kinh - Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” (Ảnh: Báo Văn hóa).
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động bên lề nhân chuyến công tác của lãnh đạo Thành ủy- UBND thành phố Hà Nội thăm thành phố Bắc Kinh (tháng 5/2024) và thiết thực kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai Thành phố.
Đặc biệt, Tọa đàm “Bắc Kinh - Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” diễn ra vào chiều ngày 17/5 tại Phòng Hội nghị số 1, Di Hòa Viên đã thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia, cán bộ của hai khu di sản.
Tọa đàm khoa học được tổ chức nhân dịp này là diễn đàn để các nhà khoa học và cán bộ chuyên môn hai đơn vị trao đổi các vấn đề bảo vệ, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa ở hai thành phố Hà Nội và Bắc Kinh.
Tọa đàm tập trung thảo luận các nội dung chính: Giới thiệu về chủ trương, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị nhiều mặt của các di sản ở Bắc Kinh và Hà Nội; Chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng các cung điện và phát huy các giá trị nhiều mặt của các di sản ở Bắc Kinh và Hà Nội; Tham vấn khoa học về định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thế giới khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội.
Các đại biểu và nhà khoa học đã trình bày các tham luận giới thiệu tổng quan Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; về nhưng nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên nhằm phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long; giới thiệu Long Trì - Đan Trì trong cấu trúc Khu Trung tâm cấm thành Thăng Long - Đông Kinh thời Lý - Trần – Lê; nghiên cứu Chính điện Kính Thiên thời Lê tại khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long qua các nguồn tư liệu sử học và định hướng bảo tồn, phục dựng. Nội dung các bài tham luận nhằm nhấn mạnh về Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, một quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội.
Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua Việt Nam xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII) và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam, được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới năm 2010.
Các bài tham luận của các nhà khoa học Bắc Kinh đề cập đến các nội dung: Tổng quan về di sản văn hóa thế giới Di Hòa Viên; Vẻ đẹp cổ kính, phong cách hiện đại: Bảo vệ, kế thừa và phát triển các công viên lịch sử nổi tiếng ở Bắc Kinh; Bảo vệ và phát triển di sản Di Hòa Viên từ góc nhìn trí tuệ sinh thái; Góc nhìn về vai trò và nghiên cứu thực tiễn về Di Hòa Viên - di sản văn hóa thế giới trong xây dựng thành phố Bắc Kinh; Giám sát môi trường sinh thái Di sản văn hóa từ góc độ bảo vệ giá trị di sản; Bảo vệ có hệ thống các thành phố lịch sử - ví dụ từ thành phố Bắc Kinh...
Tại buổi tọa đàm, trên cơ sở giới thiệu các hoạt động cụ thể đã triển khai tại di sản mình quản lý, hai bên hướng tới mục đích trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức, học hỏi lẫn nhau. Thông qua tọa đàm có thể đưa ra những hướng nghiên cứu, bảo vệ, phát huy giá trị di sản ở cả hai thành phố vốn có nhiều nét tương đồng. Trước đó, cùng ngà tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh, Trung Quốc), gần 100 tài liệu, hình ảnh của Hà Nội được giới thiệu tới người dân Trung Quốc tại Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ”.
Triển lãm có 2 chủ đề. Một là, chủ đề “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến” giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến - nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa giá trị văn hóa của mọi miền đất nước.
Trong đó, một số di tích Quốc gia đặc biệt tiêu biểu như: Thăng Long Tứ trấn, Khu di tích Cổ Loa… góp phần tạo nên một bức tranh di sản độc đáo cho “thành phố di sản”. Hai là, chủ đề “Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” giới thiệu tổng thể bức tranh di sản của Thủ đô Hà Nội.
Trong đó, Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là mảng màu rực rỡ nhất, trở thành niềm tự hào to lớn của người dân Thủ đô và cả nước. Dự kiến tháng 9 tới đây, công chúng Hà Nội và cả nước cũng được tiếp cận, chiêm ngưỡng các di sản văn hóa đặc sắc của Bắc Kinh thông qua hoạt động triển lãm tại Hà Nội.
Theo tạp chí Thời Đại