Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ phản ánh đậm nét văn hóa thời kỳ Hùng Vương dựng nước, gắn với lịch sử hình thành, phát triển của quốc gia, dân tộc và đã trở thành bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bởi thế, việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt và là “chất keo” gắn kết các thế hệ nhân dân Việt Nam, trong nước và trên toàn thế giới.
Hành trình trở thành di sản văn hóa thế giới
Ngày 6/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lần đầu tiên một di sản văn hóa của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng.
Để có được kết quả quan trọng này, tỉnh Phú Thọ đã tích cực chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban UNESCO Việt Nam và các cơ quan chuyên môn có liên quan ở Trung ương trong việc sưu tầm, tập hợp, củng cố tư liệu phục vụ việc xây dựng hồ sơ đảm bảo đáp ứng yêu cầu; đồng thời tích cực vận động, tranh thủ sự ủng hộ của đại diện các cơ quan chuyên môn, các cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia thường trực thẩm định hồ sơ và các chuyên gia của UNESCO. Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhấn mạnh đến truyền thống thờ cúng tổ tiên, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam có ý nghĩa độc đáo , sống động mà không một dân tộc nào trên thế giới có được.
Đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế đều nhận xét và đánh giá cao tính cộng đồng của dân tộc Việt Nam trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, qua đó thể hiện sự công nhận của cộng đồng quốc tế với truyền thống sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc của người Việt từ ngàn đời nay, là hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc.
“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” trở thành di sản văn hoá đại diện của nhân loại không chỉ là vinh dự của nhân dân Phú Thọ, mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.
Gắn kết di sản văn hóa truyền thống với cộng đồng người Việt ở nước ngoài
Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã triển khai có hiệu quả các chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy di sản.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lập đền thờ các vua Hùng như ở Califonia (Hoa Kỳ), Canada, Australia,… hoặc các điểm thờ tự đặt ban thờ, bài vị và tượng Hùng Vương để kiều bào cùng tổ chức lễ dâng hương, nhớ về Tổ tiên trong ngày quốc lễ như ở CHLB Nga, Séc, Lào… Có thể nói, việc thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu, lan tỏa rộng khắp, nơi đâu có người Việt sinh sống thì có tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên - thờ các Vua Hùng.
Những năm gần đây, Sở Ngoại vụ đã phối hợp với Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Ban Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tư vấn, chia sẻ, hỗ trợ các cộng đồng người Việt tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài, bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Với tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương theo truyền thống không chỉ là cuộc hội tụ đông đủ, con cháu tề tựu về với tổ tiên, biểu thị tinh thần cộng đồng, tự hào, tự tôn dân tộc, mãi mãi ghi tạc công lao các Vua Hùng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn mang một ý nghĩa to lớn trong thời đại mới. Đó là bài học toàn dân đoàn kết; người Việt Nam dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, đều chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh.
Năm 2022, các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 10 năm đã qua và trong tương lai, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ tiếp tục lan tỏa cộng đồng, trong nước và nước ngoài, trở thành điểm đồng quy về ý thức cộng đồng - quốc gia - dân tộc, kết tinh thành dòng chảy bất tận trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam./.
Trần Quyết Chiến- Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ