Ngày 12/6, tại cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Lam Thiên Lập (Lan Tianli) cho biết Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây trong suốt 25 năm qua.
Quảng Tây là một trong 5 khu tự trị của Trung Quốc, có dân số khoảng 48 triệu người, tiếp giáp 4 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Quảng Tây là thị trường truyền thống, đóng vai trò quan trọng không chỉ với 4 tỉnh biên giới phía Bắc mà đối với tổng thể hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Lam Thiên Lập. Ảnh: Bích Thuận
Theo Chủ tịch Lam Thiên Lập, do gần gũi về địa lý và văn hóa, tình hữu nghị truyền thống giữa Quảng Tây và Việt Nam ngày càng bền chặt, trao đổi hợp tác giữa hai bên vô cùng chặt chẽ. Chủ tịch Quảng Tây nhấn mạnh việc hai nước Việt –Trung chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược đã trao cho Quảng Tây sứ mệnh quan trọng và mang lại những cơ hội lịch sử mới cho sự mở cửa và phát triển của Quảng Tây.
Theo dữ liệu do Quảng Tây công bố, năm 2023, xuất nhập khẩu giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt gần 254 tỷ nhân dân tệ (hơn 35 tỷ USD), tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước. 5 tháng đầu năm 2024, con số này là gần 121 tỷ nhân dân tệ, tiếp tục tăng mạnh gần 37%. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Quảng Tây sang Việt Nam gồm: hàng dệt may; vật liệu đá và thủy tinh; sản phẩm điện và cơ khí; sản phẩm rau quả; vật liệu nhựa và cao su...
Chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Quảng Tây các mặt hàng: sản phẩm điện và cơ khí; sản phẩm rau quả (hơn 358 triệu USD, tăng 45,82%); gỗ và sản phẩm từ gỗ (gần 343 triệu USD, tăng hơn 263%); sản phẩm khoáng sản (hơn 163 triệu USD, tăng hơn 13%); thực phẩm chế biến (hơn 156 triệu USD, tăng hơn 18,3%)...
Chủ tịch Lam Thiên Lập cho biết thời gian tới, Quảng Tây sẽ được phát triển thành vùng đất tiện lợi cho các hoạt động kinh doanh thị trường tuần hoàn kép trong nước và quốc tế. Với lợi thế là tỉnh duy nhất của Trung Quốc kết nối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng cả đường bộ và đường biển, cũng là địa phương tiền duyên và cửa ngõ mở cửa hợp tác với ASEAN, Quảng Tây sẽ đẩy nhanh kết nối với Việt Nam cả về đường sắt và đường bộ, đi sâu hợp tác về công nghiệp xuyên biên giới, cũng như tăng cường trao đổi trên nhiều lĩnh vực, như văn hóa và du lịch. Với lợi thế kết nối giao thông thuận lợi, dân số lớn, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây được cho là còn rất nhiều tiềm năng cần thúc đẩy khai thác vì lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân hai bên.
Theo tạp chí Thời Đại