Lịch sử đã tạo dựng nên mối lương duyên khăng khít giữa Việt Nam và Pháp với những gắn kết đặc biệt về chính trị, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, ngôn ngữ, con người. Trên tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, hai bên tìm cách tôn trọng sự khác biệt, cùng khai thác những nét tương đồng và vun đắp tình hữu nghị, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại Lễ kỷ niệm 235 năm Quốc khánh Pháp do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 15/7. Cùng dự lễ kỷ niệm có các Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam, cùng nhân dân hai nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (thứ tám từ phải sang), Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet (thứ bảy từ phải sang) và các đại biểu chụp ảnh cùng các vận động viên Việt Nam chuẩn bị lên đường tham dự Olympic và Paralympic Paris 2024. (Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam))
Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, cuộc cách mạng năm 1789 không chỉ là sự kiện lịch sử đặt nền móng cho nền Cộng hòa Pháp ngày nay, mà còn trở thành biểu tượng nhân loại, đề cao sức mạnh nhân dân cùng lý tưởng cao đẹp về “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Tinh thần này cũng được phản ánh trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 của Việt Nam.
Quốc khánh Pháp hàng năm là dịp để tôn vinh những giá trị tốt đẹp đó và nhắc nhở mỗi chúng ta thêm yêu chuộng hòa bình, không ngừng phấn đấu vì sự phát triển và tiến bộ xã hội. Sau hơn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao và một thập kỷ đối tác chiến lược, quan hệ Việt - Pháp đã và đang phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động trao đổi đoàn các cấp.
Trên các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc mà Pháp đóng vai trò quan trọng, hai bên đã phối hợp tốt, chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết: ngày Quốc khánh Pháp 14/7 năm nay diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt khi nước Pháp vừa diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội và sắp tới sẽ đón đoàn thể thao các nước trên thế giới tham dự Olympic và Paralympic Paris 2024.
Đây là một sự kiện trọng đại và là dịp để Pháp kết nối với các nước, đặc biệt là có cơ hội để thiết lập các quan hệ mới với thể thao Việt Nam. Trong quan hệ với các nước, với tư cách là uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Pháp luôn sát cánh cùng tất cả các bên có đóng góp cho việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tìm kiếm các giải pháp thông qua đối thoại. ASEAN trong đó có Việt Nam là những đối tác hàng đầu vì hoà bình và phát triển và Pháp tự hào có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Hơn ba mươi năm qua kể từ chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Francois Mitterrand đến Việt Nam, quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố.
Ngày nay, hai nước trên cơ sở nền tảng đó để tăng cường quan hệ đối tác phục vụ phát triển bền vững và đổi mới, nhằm cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu và đặc biệt là việc quản lý bền vững các đại dương. Theo Đại sứ Olivier Brochet, quan hệ hợp tác giữa hai nước còn được thể hiện qua nhiều lĩnh vực như giáo dục, khoa học, y tế, thương mại, đầu tư… đồng thời bày tỏ tin tưởng vào triển vọng hợp tác của các lĩnh vực này trong tương lai.
Pháp hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Hơn 350 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam và trực tiếp tạo ra gần 30.000 việc làm. Thương mại song phương tăng trưởng đều đặn kể từ khi Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực và nay đã vượt 7 tỷ Euro, với thặng dư nghiêng hẳn về phía Việt Nam. Hợp tác giữa các địa phương trở thành nét đặc thù riêng trong quan hệ Việt - Pháp từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Đến nay, đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh, thành phố Việt Nam tham gia hợp tác theo cơ chế này với 240 dự án hợp tác phi tập trung giữa địa phương hai nước, chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo tồn di sản, cộng đồng Pháp ngữ, phát triển nông thôn, phát triển đô thị.
Theo tạp chí Thời Đại