GIỚI THIỆU
CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH VIÊN
TIN TỨC - SỰ KIỆN
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online:
12
Số lượt truy cập:
798441
BIẾT ĐỦ VÀ BIẾT ƠN
Cập nhật lúc: 3:45 PM, ngày 29/07/2024

Mở đầu phim tài liệu nổi tiếng “Hà Nội trong mắt ai” là cảnh nghệ sĩ mù Văn Vượng đang chơi đàn ghi ta. Bản nhạc ông tự soạn mô tả về nét đẹp Hà Nội do ông tưởng tượng ra. Ông có một khao khát cháy bỏng: mong được nhìn thấy cảnh trí Hà Nội, dù chỉ một lần trong đời. Thế mới biết những gì ta đang thấy, ta đang có, đang được tận hưởng, tưởng rất đỗi bình thường nhưng lại là mơ ước của người khác.

 

 

Mùa hè năm 1988, tôi ra Hà Nội thi đại học. Đó là mùa hè nóng nhất tôi từng cảm nhận. Bao người phàn nàn về nắng nóng. Hà Nội ngột ngạt vì thiếu điện, phố phường nhiều nhà đốt than tổ ong. Sau này tôi mới biết, 1988 là năm nhiệt độ toàn cầu nóng nhất được ghi nhận trong 130 năm (theo Thời báo Los Angeles Times). Nhưng lúc ấy, là một cậu học trò nhà quê ra Thủ đô, tôi chỉ biết phải cố gắng hết sức. Quê tôi còn khổ hơn Hà Nội rất nhiều.

 

 

Tôi mang theo ra Hà Nội niềm hi vọng của bố mẹ, niềm tin tưởng của mấy đứa em, những người chịu thiệt thòi để tôi được đi học cấp 3 (nay là trung học phổ thông). Nắng nóng như thế có là gì, vì nhiều người như các em tôi còn không được một lần bước chân ra Hà Nội để thi đại học. Sau này, khi làm ở Đài phát thanh truyền hình tỉnh, tôi nhớ đã có lần tâm sự với các phóng viên thời sự. Chuyện là một năm rét cắt da cắt thịt, tôi vẫn phải phân công anh em đi làm tin. Dù có thế nào, Đài vẫn phải có tin bài để phát sóng.

 

 

Ngày ấy phóng viên đi làm bằng xe máy. Tôi kể với anh em rằng cũng một ngày mưa rét như thế, tôi đã phóng xe máy đi làm, đi qua cửa sổ một nhà bên đường, trong nhà có một người khuyết tật. Anh ta nhìn tôi và ao ước chỉ một lần trong đời được phóng xe máy giữa trời mưa rét như tôi. Kể câu chuyện trên, tôi động viên anh em phóng viên thời sự rằng cuộc sống có lúc thế này, có khi thế khác, có thuận lợi, có khó khăn, nhưng tựu chung lại, có việc làm là tốt.

 

 

Nhiều người đang mong được làm phóng viên truyền hình, được vất vả như chúng ta. Trang nhất Báo Lao Động cuối những năm 90 của thế kỷ trước có một mục nhỏ xíu nhưng rất đẹp, rất nhân văn. Đó là mục "Nét đẹp đời thường". Tôi đã viết bài báo nhỏ xíu “Phần mềm không khiếm khuyết” gửi cho mục này, kể về một bạn trẻ ngồi xe lăn với nghị lực phi thường. Bạn ấy khẳng định rằng thân thể mình có thiệt thòi khiếm khuyết nhưng đầu óc vẫn lành lặn sáng láng, chừng nào còn sống thì “phần mềm” của mình vẫn chạy tốt.

 

 

Trung tâm tin học của bạn ấy không chỉ tạo việc làm cho một số học sinh, sinh viên mà còn truyền cảm hứng cho bao người để vượt lên số phận. Có câu rằng trên đời này, ngoài sống và chết thì không còn chuyện gì to tát nữa. Mỗi phút được sống đã là phúc lành, cần phải biết trân trọng.

 

 

Ở Việt Nam và Trung Quốc xưa nay người ta nói “tri túc” nghĩa là biết đủ với những gì mình đang có. Biết đủ thì an nhiên, hạnh phúc. Biết đủ thì sẽ biết ơn. Trong thế giới này, có đủ các thứ để cho mọi người sử dụng, thế nhưng không bao giờ đủ cho một người có lòng tham vô đáy. Trong khi nhiều người còn phải chịu đựng thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh và hoàn cảnh khó khăn, mình được an lành, khỏe mạnh, ăn no, mặc ấm, đó đã là phúc phận, cần phải biết đủ và biết ơn vì điều đó.

 

 

Hàng năm ở Bắc Mỹ có một ngày mọi người dành cho sự biết ơn, đó là Ngày Lễ Tạ ơn (Thanksgiving Day). Đây là một ngày lễ trọng hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ và Canada. Ngày Lễ Tạ ơn được tổ chức đầu tiên vào năm 1579. Ý nghĩa ban đầu của nó là mừng thu hoạch được mùa và tạ ơn Thiên Chúa đã giúp cho cuộc sống no đủ và an lành trong năm. Đây cũng là ngày nghỉ lễ chính thức cho tất cả người lao động tại Mỹ và Canada, là dịp các thành viên trong gia đình đoàn tụ bên nhau.

 

 

Bên mâm cơm quây quần đầm ấm, mỗi người càng trân trọng cuộc sống an lành mình đang có và biết ơn ông bà cha mẹ, biết ơn đồng nghiệp, bạn bè, những người đã vì mình mà giúp đỡ. Một nhà văn từng nói còn cảm thấy mình đau đớn thì hãy vui vì mình còn sống; còn cảm nhận được nỗi đau của người khác thì hãy hạnh phúc vì mình đã xứng đáng làm người. Bạn than khóc vì không có đôi giày mới, nhưng bạn sẽ dừng than khóc khi thấy một người không có đôi chân để đi giày. Cuộc sống đầy phúc lành, có điều người ta thường không biết để trân trọng nó./. 

 

Dư Hồng Quảng 


Các tin khác:

5 nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại nhân dân năm 2025

Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc: Nhịp cầu lịch sử kết nối thế hệ trẻ Việt - Trung

CHÀO NĂM ĐẶC BIỆT 2025!

Phong tục đón năm mới độc lạ của một số quốc gia trên thế giới

8 sĩ quan quân đội nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Tầm vóc đối ngoại mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Người Việt tại Lào vui Xuân đoàn kết, hướng về đất nước quê hương

Công ước Hà Nội mở ra một chương mới trong hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống tội phạm mạng toàn cầu

Nhật Bản viện trợ thiết bị rà phá bom mìn trị giá 500 triệu Yên cho Việt Nam

Sinh viên Việt Nam - Trung Quốc giao lưu, trải nghiệm văn hóa

TÌM KIẾM

VĂN BẢN MỚI
Quyết định 2418/QĐ-BTNMT năm 2010 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 - 2015

LỊCH
   

LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TỈNH PHÚ THỌ

 

 

 

Địa chỉ: Số 2187, đường Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ)

 

Điện thoại: 02103 851.555

 

Email: lhhnphutho@gmail.com