Ngày 14/10, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama, đã chia sẻ trên trang cá nhân về dấu mốc đặc biệt: 44 năm kể từ ngày ông đặt chân đến Việt Nam. "Tôi nhớ rất rõ ngày mùa thu, 14 tháng 10 năm 1980, khi tôi đến Hà Nội với vô vàn câu hỏi, háo hức muốn tìm hiểu thêm về một đất nước có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi", ông viết. Trải qua nhiều thập kỷ, Đại sứ Saadi Salama khẳng định: "Nhiều thứ đã thay đổi ở Việt Nam, nhưng có một điều vẫn không thay đổi: trái tim tôi vẫn tiếp tục yêu đất nước và con người nơi đây như đã từng trong suốt 44 năm qua".
Sinh ra tại Hebron, Palestine năm 1961, ngay từ khi còn nhỏ, Việt Nam đã là nguồn cảm hứng cho ông Saadi Salama cũng như nhiều người Palestine. Hình ảnh một quốc gia nhỏ bé nhưng kiên cường, với những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim ông. Vào năm 19 tuổi, ông may mắn nhận được học bổng và quyết định chọn Việt Nam là nơi để học tập. Tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, mong muốn hiểu rõ hơn về tư duy, tính cách và ý chí của dân tộc đã làm nên những kỳ tích lịch sử.
Đại sứ Saadi Salama Đại sứ Saadi Salama khi sang Việt Nam học tập vào những năm 1980 (ảnh trái) và hiện tại. (Ảnh: FB nhân vật)
"Việt Nam với tôi như một giấc mơ. Với tất cả sự mong mỏi của mình, tôi khao khát được sống, học hỏi và tìm hiểu về đất nước này, để có thể mang về những kinh nghiệm thực tế cho Palestine trong cuộc đấu tranh sắp tới", Đại sứ Saadi Salama cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí. Chính trong thời gian học tập tại Việt Nam, tình yêu của ông đối với đất nước này ngày càng sâu sắc. "Việt Nam đã đi vào sâu bên trong trái tim tôi, tâm trí tôi, lý trí của tôi, trở thành quê hương thứ hai của tôi, không khác gì đất nước Palestine", ông nói.
Sau khi tốt nghiệp, ông Saadi Salama bắt đầu sự nghiệp ngoại giao và gắn bó với nhiều quốc gia, nhưng dấu ấn Việt Nam luôn hiện hữu. Năm 1982-1983, ông giữ chức vụ Bí thư phụ trách thông tin tại Văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Việt Nam. Đến năm 1989-1991, ông là Phó Đại sứ Palestine tại Việt Nam, và từ năm 2009 đến nay, ông là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam.
Đáng chú ý, từ năm 2019, ông còn đảm nhận vai trò Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam. Nhìn lại quãng đường dài gắn bó với Việt Nam, Đại sứ Saadi Salama nhấn mạnh: "Tôi luôn cảm ơn cơ duyên đã đưa tôi tới Việt Nam, biến đất nước này trở thành một phần quan trọng nhất trong cuộc đời tôi." Ông Saadi Salama là một trong số ít người nước ngoài am tường sâu sắc về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.
Ông thành thạo tiếng Việt và say mê các tác phẩm văn học kinh điển như "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố và "Chí Phèo" của Nam Cao. Ông đã dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Ả Rập, trong đó có cuốn "Điện Biên Phủ - Năm điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh" của Mai Trọng Tuấn và một số bài thơ trong "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Tình yêu ngôn ngữ đến từ tình yêu đối với đất nước. Tôi càng học tiếng Việt, càng yêu đất nước này hơn", ông chia sẻ.
Nhiều năm qua, Đại sứ Saadi Salama giữ thói quen ghé chợ Hôm mua thực phẩm hàng tuần. (Ảnh: TTXVN)
Nói về phẩm chất của người Việt, trong một bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ vào năm 2023, Đại sứ Saadi Salama cho biết: "Người Việt tinh tế và nhân ái, đôi khi đến từ những điều rất nhỏ nhặt. Chẳng hạn, khi gọt vỏ bất cứ loại trái cây hay rau quả gì, người Việt Nam bao giờ cũng đặt lưỡi dao hướng ra ngoài (lấy ngón tay trỏ làm điểm tựa) điều ấy bắt nguồn từ niềm tin xa xưa rằng việc quay lưỡi dao về phía bản thân sẽ đem lại những điều nguy hiểm cho mình. Thế nhưng, khi cần cho người khác mượn dao, người Việt Nam bao giờ cũng sẵn sàng xoay lưỡi dao về phía mình để lưng dao về phía người đối diện. Người Việt Nam luôn chia sẻ, cảm thông khi người khác gặp khó khăn, luôn lạc quan và ý chí kiên cường.
Người Việt còn là một dân tộc vô cùng hiếu khách. Tình cảm trong sáng và chân thành ấy khiến tôi luôn muốn khám phá Việt Nam theo cách của mình: không chỉ tìm hiểu qua sách vở, trên giảng đường mà có cả những cuộc tiếp xúc với những con người thật trong cuộc sống thường nhật". Hàng tuần, ông vẫn ghé chợ Hôm để mua thực phẩm và trò chuyện cùng những người bán hàng, tận dụng mọi cơ hội để giao lưu bằng tiếng Việt. Trong suốt hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Đại sứ Saadi Salama luôn coi đất nước này là quê hương thứ hai. Ông khẳng định: “Tôi chưa bao giờ có một cảm giác tôi là một người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam.
Tôi ứng xử, làm việc, suy nghĩ và giao lưu như một người bản xứ-một người Hà Nội". Ông không chỉ thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Palestine mà còn mong muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới như một đất nước có nền văn hóa lâu đời và yêu chuộng hòa bình. Đại sứ Saadi Salama cũng chia sẻ rằng ông ấn tượng với quá trình phát triển của Việt Nam. Ông đánh giá cao tầm nhìn của các nhà lãnh đạo trong thời kỳ đổi mới, đã đưa đất nước vượt qua khó khăn để trở thành một quốc gia phát triển nhanh chóng như hiện nay.
Theo ông, Việt Nam là quốc gia có khả năng hội nhập mạnh mẽ nhưng vẫn bảo tồn được nét văn hóa riêng biệt. Đầu năm 2023, Đại sứ Saadi Salama đã xuất bản cuốn hồi ký "Câu chuyện Việt Nam của tôi", ghi lại những trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc của ông về đất nước và con người Việt Nam. Cuốn sách hơn 300 trang, gồm ba phần, nói về cuộc đời ông từ khi lớn lên tại Palestine, quá trình học tập tại Việt Nam, và sự nghiệp ngoại giao của ông tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Trên trang bìa cuốn sách, ông trân trọng ghi: “Tôi không phải là vị khách quá cảnh đến Việt Nam. Trong con người tôi, có một phần Việt Nam rất lớn”.
Theo tạp chí Thời Đại