Hợp tác, phát triển trong lĩnh vực năng lượng thời gian qua không chỉ là động lực cho việc thúc đẩy kinh tế của Việt Nam - Lào mà còn góp phần thiết thực vun đắp quan hệ hữu nghị hai nước.
Nhiều bước tiến trong hợp tác năng lượng Việt - Lào
Được khởi công từ tháng 12/2021, Dự án Đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống đến nay cơ bản đã hoàn thành. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được xây dựng nhằm mục đích nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy thủy điện Nậm Sum (Lào) về Việt Nam đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện khu vực miền Bắc. Đồng thời cụ thể hóa cam kết giữa Đảng và Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào trong tăng cường hợp tác năng lượng.
Dự án có quy mô gồm 2 mạch, dài gần 130 km với 299 vị trí cột, 99 khoảng néo, từ điểm đấu nối G1 (tại biên giới Việt Nam - Lào) đến Trạm biến áp 220 kV Nông Cống. Dự án đi qua địa bàn huyện Quế Phong, huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An), huyện Như Xuân, huyện Như Thanh, Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa). Trong đó đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài 77,31 km gồm 174 vị trí móng cột.
Đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 52,64 km, gồm 125 vị trí móng cột. Ngày 27/11, tại Thanh Hóa, Hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư - Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã họp Hội đồng về tiến độ đóng điện Dự án. Thông tin từ cuộc họp cho thấy, Dự án được thi công theo thiết kế, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và đủ điều kiện để đóng điện. Hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư chấp thuận nghiệm thu hoàn thành các hạng mục liên quan đến tuyến đường dây.
Hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư giao cho Hội đồng nghiệm thu cơ sở rà soát các nội dung còn lại và thực hiện các thủ tục liên quan để thực hiện đóng điện theo quy định. Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Tổng giám đốc EVNNPT, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư cho biết, sau khi đóng điện, Dự án Đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống sẽ góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, giảm áp lực hệ thống điện, cung cấp điện ổn định cho khu vực miền Bắc, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải. Đây là minh chứng cho quan hệ hợp tác năng lượng bền chặt giữa Việt Nam và Lào, đồng thời góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển xanh, bền vững của Việt Nam.
Hợp tác điện lực: thắp sáng tình hữu nghị Việt - Lào Dự án Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống. Ảnh: Thu Hà
Trước đó, xuất phát từ nhu cầu hợp tác của hai bên, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào vào năm 2016 và Hiệp định Hợp tác phát triển các công trình năng lượng, điện và mỏ năm 2019.
Hai Bên cũng ký kết hợp tác triển khai nhiều dự án đầu tư và các hoạt động hợp tác năng lượng, như: Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào; đẩy mạnh hợp tác mua bán điện; hỗ trợ phát triển các dự án thủy điện tại Lào...
Các bản ghi nhớ được ký kết giữa Việt Nam và Lào đã đánh dấu bước tiến đáng kể trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt là sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Báo cáo trình bày tại Kỳ họp thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào diễn ra vào tháng 1/2024 cho thấy, hợp tác mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh, với việc Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.
Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều năm tại một số dự án trọng điểm được kịp thời tháo gỡ dứt điểm. Đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký 19 hợp đồng để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện Lào với tổng công suất 2.689 MW. Nhiều tiềm năng hợp tác trong tương lai Hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Lào xuất từ nhu cầu thiết yếu của cả hai quốc gia và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển chung.
Việt Nam, với quy mô dân số lớn và nền kinh tế tăng trưởng ổn định, đang đối mặt với nhu cầu điện ngày càng gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam không chỉ nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn chuyển dịch sang một hệ thống năng lượng sạch và bền vững. Cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 càng khiến hợp tác năng lượng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Về phía Lào, năng lượng, đặc biệt là thủy điện, đã trở thành nguồn thu lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Lào đang đẩy mạnh chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và hướng tới mục tiêu trở thành “viên pin xanh” của khu vực Đông Nam Á, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng để khai thác tối đa tiềm năng này.
Hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Lào theo đó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của cả hai quốc gia. Việc khai thác tiềm năng năng lượng của Lào giúp Việt Nam giảm bớt áp lực về nhu cầu điện trong nước, trong khi Lào có thể tận dụng nguồn thu từ xuất khẩu điện để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tại cuộc làm việc vào tháng 10/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone đã đánh giá cao những thành tựu hợp tác năng lượng giữa hai quốc gia. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là điện, và coi đây là trụ cột trong chiến lược phát triển quan hệ hợp tác song phương trong giai đoạn tới. Với sự quyết tâm của Chính phủ hai nước, hợp tác năng lượng sẽ không ngừng mở rộng, tạo ra nhiều cơ hội mới, đồng thời thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.
Theo tạp chí Thời Đại