GIỚI THIỆU
CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH VIÊN
TIN TỨC - SỰ KIỆN
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online:
384
Số lượt truy cập:
784464
TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG HÙNG VƯƠNG - HỘI TỤ NIỀM TIN SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT NGƯỜI VIỆT TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
Cập nhật lúc: 12:00 AM, ngày 26/03/2019

Tháng 9 năm 2016, Đoàn công tác liên ngành do đồng chí Vũ Hồng Nam -  Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài dẫn đầu đã có chuyến công tác, gặp gỡ, tiếp xúc Kiều bào tại Hoa Kỳ và Canada, trong đó có chương trình thăm Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương của người Việt tại thành phố San Jose, bang California (Hoa Kỳ).

Một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam là tôn thờ, thành kính tổ tiên, từ thờ tổ tiên trong mỗi gia đình, thờ cúng tổ tiên của một dòng họ, thờ cúng ông tổ của một làng xã tại các đình làng, miếu làng… Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có từ hàng nghìn đời nay là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”;  rồi đến thờ cúng tổ tiên chung của cả dân tộc, đó là các Vua Hùng - người đã có công khai sơn phá thạch, ngăn thú dữ, chống giặc ngoại xâm, lập nên Nhà nước Văn Lang có chủ quyền của người Việt cổ. Trong tâm thức người Việt Nam bao đời nay, Vua Hùng là vị Thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn là yếu tố nội sinh của văn hóa Việt Nam, góp phần hun đúc lòng tự hào, tinh thần từ một bọc mẹ sinh ra để sống với nhau có nghĩa, có tình, có thủy, có chung, trên, dưới, có xóm, làng, sau trước, có tổ có tông, sống có văn hóa từ một nguồn cội.

Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn

Trong ký ức tâm linh của người dân Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước, hình ảnh Vua Hùng được khắc họa là ông vua mở nước, dựng làng, rồi trở thành ông Tổ của người Việt, sinh ra bọc trăm trứng nở ra 100 người con trai khôi ngô tuấn tú - hình thành nên nghĩa đồng bào. Hàng ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ cúng ông Tổ chung các Vua Hùng với hàng ngàn di tích ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài.

Hiện có tới 1.417 di tích thờ Vua Hùng và thờ các tướng lĩnh liên quan đến thời kỳ Hùng Vương, chủ yếu tập trung ở Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Tiêu biểu nhất là đền thời các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - nơi có mộ Tổ Hùng Vương. Tương truyền tại đây, các đời vua Hùng thường bàn việc quân cơ từ thế núi trên cao để nhìn thấu bốn bề, canh giữ bờ cõi giang sơn.

Quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước người Việt Nam luôn luôn tôn kính và tâm niệm các Vua Hùng là ông Tổ, lấy đó làm điểm tựa tinh thần, làm đức tin thiêng liêng vào uy linh tổ tiên để chiến thắng thiên tai, thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Từ thời Thục Phán dựng cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh khi Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi, thề sẽ trọn đời bảo vệ giang sơn mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói, trông nom lăng miếu tổ tiên. Đến thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán cũng đọc lời thề trên sông Hát:

"Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng"

Khu di tích Đền Hùng được xây dựng từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng và chỉ dừng việc xây dựng, tôn tạo dưới thời Hậu Lê vào thế kỷ XV, chính là nơi tôn nghiêm nhất để thờ tự các Vua Hùng. Từ đó đến nay, nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến việc tu sửa, tôn tạo Khu Di tích Đền Hùng và tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

Vào năm Minh Mạng thứ 4 (năm 1823) đã cho xây “Lịch Đại Đế Vương” ở Phú Xuân, thờ các danh tướng, đế vương, trong đó có Kinh Dương Vương và Hùng Vương. Nhà Nguyễn cũng đứng ra tổ chức lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương với các nghi lễ trang trọng. Năm Khải Định thứ 2 (năm 1917), quan tuần phủ Lê Tuy Ngọc trình Bộ lễ quyết định ngày Quốc lễ là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, ngày 11 tháng 3 âm lịch để dân sở tại làm lễ, thời gian mở hội thường từ mùng 8 đến mùng 10, và cũng từ đó lễ hội Đền Hùng ngày càng được tổ chức quy mô ở khắp nơi.

Sách Đại Việt lược sử và Đại Việt sử ký Toàn thư đều khẳng định nguồn cội của dân tộc Việt Nam tổ tiên là các Vua Hùng. Thời Hậu Lê còn cho soạn “Ngọc phả Hùng Vương” có ghi từ đời nhà Minh, Lê, Lý, Trần rồi đến triều đại Hồng Đức vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa, ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái tưởng nhớ công lao của đấng Thánh tổ xưa.

Đến năm 1920, sau khi tiến hành tu sửa lớn, tuần phủ Phú Thọ và các quan tri phủ, tri huyện đều làm lễ Vua Hùng và cho phép 5 làng xung quanh thờ tự Vua Hùng là Hùng Lô, Cao Mại, Sơn Vy, Hữu Bồ, Xuân Lũng tổ chức rước kiệu vào lễ hội Đền Hùng, đồng thời tổ chức các trò chơi dân gian trong lễ hội.

Lễ hội Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ đạo lý, từ truyền thống của dân tộc Việt Nam giàu lòng yêu nước, kiên cường bất khuất chống kẻ thù. Nó cũng trở thành động lực tinh thần cho cả dân tộc.

Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Quyết định sửa đổi, bổ sung điều 73 Bộ Luật Lao động cho người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm) để thực hiện tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng tổ tiên. Càng ngày, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương -  Lễ hội Đền Hùng  càng được thực hiện quy mô và trang nghiêm. Những năm tròn do nhà nước tổ chức, những năm chẵn tổ chức ở cấp Bộ, hàng năm do tỉnh Phú Thọ đứng ra chủ trì có sự góp giỗ của từ 5 đến 10 tỉnh, thành phố khác.

 Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Việt Trì là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Thọ. Trước đó, Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án xây dựng Việt Trì là thành phố Lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam. Cuối năm 2012, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục, Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó đến nay, hàng năm, đồng bào ta ở trong và ngoài nước, du khách thập phương về giỗ Tổ Hùng Vương ngày một đông hơn, những ngày chính hội có khoảng từ 7-10 triệu lượt người.

Cùng với việc tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng trang trọng,  Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đầu tư, tôn tạo Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng với nhiều dự án quan trọng lên tới hàng ngàn tỷ đồng như mở rộng không gian lễ hội, trục hành lễ, quang cảnh quanh khu di tích, đường giao thông, quy hoạch khu bán hàng  lưu niệm, bãi đỗ xe, công viên, hồ nước, nhà điều hành. Đặc biệt là các đền, chùa, sân trung tâm lễ hội được trùng tu nâng cấp rất đẹp mắt và trang nghiêm. Đền Mẫu Âu Cơ với cảnh quan thiên nhiên trên núi Vạn thật tôn nghiêm và thơ mộng. Cảnh quan xung quanh đền Lạc Long Quân được đầu tư với nhiều công trình phụ trợ như trục đường xung quanh quả đồi nơi khu đền tọa lạc được lát bằng đá hộp; hồ nước với hàng ngàn con cá cảnh; phía trước đền có cây cầu vòng cung bằng đá nối đôi bờ; các non bộ lớn nhỏ quanh hồ đều được làm bằng đá rất đẹp mắt, mang dáng vẻ vừa cổ xưa, vừa hiện đại. Bên cạnh đó, các công trình nghệ thuật như: Nhà triển lãm, nhà trưng bày hoa lan, bức tranh gốm “ngày hội non sông” dài 36m, cao 4m là bức tranh gốm to nhất Việt Nam, vườn tượng trại điêu khắc quốc tế tổ chức cuối năm 2009, với chủ đề “Ấn tượng Đất Tổ Hùng Vương” với sự tham gia của 32 nhà điêu khắc đến từ 11 quốc gia ở tất cả các châu lục (Canada, I-xra-en, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Lát-vi-a, Đức, Úc và Việt Nam), tạo nên 34 tác phẩm điêu khắc đá hiện đại đặt xung quanh hồ Khuôn Muồi trong khu di tích lịch sử Đền Hùng; đã góp phần quan trọng, làm đẹp không gian, cảnh quan khu di tích, là nơi thưởng ngoạn, thư giãn cho khách thập phương về lễ tổ tiên và vãn cảnh Đền Hùng.

Hiện nay, thành phố Việt Trì đã hoàn thành dự án Quảng trường Hùng Vương, công viên Văn Lang với nguồn đầu tư nhiều tỷ đồng đã và đang hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng, kịp phục vụ các hoạt động lễ hội. Cùng với dự án tổ hợp thương mại Vincom, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ, các khu đô thị mới được tỉnh phê duyệt quy hoạch mọc lên nhanh sẽ là những công trình kiến trúc đẹp, góp phần làm đẹp cho thành phố lễ hội – nơi từng là Kinh đô đầu tiên của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng. Đặc biệt, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tượng đài Hùng Vương quy mô lớn đang được tỉnh lựa chọn mẫu và sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

Ngày nay, giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ lớn, ngày Quốc lễ của cả nước, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm thành kính. Chính phủ có quy định cụ thể về giỗ Tổ Hùng Vương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hướng dẫn cụ thể về nghi thức, trang phục tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày giỗ Tổ ở Phú Thọ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đền thờ vua Hùng, cả các địa phương không có đền thờ Vua Hùng tổ chức nghi lễ trong ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3; lễ phẩm gồm bánh chưng, bánh dầy, hương hoa, nước, trầu cau,…; trang phục chủ lễ, đại biểu dự lễ, nhạc lễ sử dụng trong lễ dâng hương,… được áp dụng trên toàn quốc. Hiện nay, đồng bào ta ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có đền thờ Hùng Vương tại thành phố San Jose cùng thành kính tổ chức nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương trong ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hội người Việt Nam tại Mỹ đã và đang cùng người Việt Nam ở các nước trên thế giới xây dựng dự án Ngày Việt Nam toàn cầu, đúng vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương để thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng Hùng Vương.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của dân tộc – là bản sắc độc đáo của văn hóa Việt và là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc, có sức sống lâu bền và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, con Lạc cháu Hồng trong nước và ngoài nước. Ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc, triệu triệu lượt con dân đất Việt ở mọi miền trong và ngoài nước hành hương về đền Hùng, hướng về tổ tiên và thành kính tri ân công đức của các Vua Hùng.

Quốc Tổ Hùng Vương chính là biểu tượng quy tụ nguồn gốc dân tộc, hun đúc tinh thần đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự phản chiếu từ tín ngưỡng tổ tiên, gia tộc đến tín ngưỡng Quốc Tổ. Đây là sức mạnh đã giúp dân tộc vượt qua nhiều biến cố lịch sử để giữ vững độc lập dân tộc, sự sáng tạo độc đáo trong ý thức hệ của người Việt Nam trong gắn kết cộng đồng tiến lên phía trước để hội nhập và phát triển, đã thực sự trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc. Niềm tin ấy sẽ còn mãi với thời gian, với lịch sử, trong tâm thức của mỗi người Việt Nam ở mọi miền, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mong muốn mở rộng đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại thành phố San Jose, bang California là thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng Hùng Vương của hàng triệu người Việt tại đây, chắc chắn sẽ tạo nên sự gắn kết đồng bào ta dù ở trong nước hay ngoài nước, đúng với tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày  26 tháng 03 năm 2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương và thực hiện nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại đây chính là thể hiện tình cảm và mong muốn của bà con Kiều bào, dù xa tổ quốc nhưng luôn hướng về cội nguồn, tổ tiên, thể hiện tấm lòng mình tri ân công đức tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, bách gia trăm họ đời đời bền vững, quốc gia dân tộc ngày càng thịnh vượng, cho bản thân và gia đình mỗi Kiều bào luôn được an lành, hạnh phúc và phát triển ở nơi xa xứ./.


Các tin khác:

Tầm vóc đối ngoại mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Người Việt tại Lào vui Xuân đoàn kết, hướng về đất nước quê hương

Công ước Hà Nội mở ra một chương mới trong hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống tội phạm mạng toàn cầu

Nhật Bản viện trợ thiết bị rà phá bom mìn trị giá 500 triệu Yên cho Việt Nam

Sinh viên Việt Nam - Trung Quốc giao lưu, trải nghiệm văn hóa

Đoàn các Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh

Cuộc sống mới của những cư dân Lào nhập quốc tịch Việt Nam

Giao lưu quân nhạc quốc tế kết nối tình hữu nghị

Hội Hữu nghị Việt Nam – Azerbaijan tổ chức gặp mặt cuối năm

Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế bền vững

TÌM KIẾM

VĂN BẢN MỚI
Quyết định 2418/QĐ-BTNMT năm 2010 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 - 2015

LỊCH
   

LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TỈNH PHÚ THỌ

 

 

 

Địa chỉ: Số 2187, đường Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ)

 

Điện thoại: 02103 851.555

 

Email: lhhnphutho@gmail.com