Đối với hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là hồn cốt, là niềm tự hào dân tộc, là mối liên kết thiêng liêng với quê hương, đất nước và là phương tiện để giao tiếp, gắn kết với nhau. Bởi vậy dù trong hoàn cảnh nào, người Việt năm châu cũng đều đoàn kết gìn giữ chữ viết, tiếng nói quê hương.
5 nghìn cơ sở dạy tiếng Việt tại Mỹ
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Với 2,2 triệu người Việt ở Mỹ, tiếng Việt là phương tiện gắn kết cộng đồng người gốc Việt và mỗi thành viên trong gia đình. Mỹ đề cao và coi trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ của người nhập cư, nên ở mức độ nhất định, tiếng Việt đã được tạo điều kiện để dạy và học như một ngoại ngữ chính thức, được cấp tín chỉ trong chương trình giáo dục phổ thông cũng như đại học ở Mỹ. Đây là thuận lợi cơ bản để tiếng Việt tồn tại và phát triển ở nước sở tại. Cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ đã có nhiều cách thức duy trì và dạy tiếng Việt. Hiện có khoảng 5 nghìn cơ sở dạy tiếng Việt tại Mỹ, riêng tại bang California có hơn 1.000 cơ sở dạy tiếng Việt thu hút khoảng 15.000-17.000 người ở mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, việc học và dạy tiếng Việt còn mang tính tự phát, giáo trình chủ yếu tự biên soạn, nội dung và hình thức chưa được quy chuẩn, do đó đại bộ phận cộng đồng người Việt ở Mỹ đều mong muốn có bộ giáo trình tiếng Việt chuẩn về nội dung và phương thức truyền tải. Đảm bảo tính phổ cập, dễ hiểu, khoa học về mặt ngôn ngữ và đầy đủ khách quan về mặt lịch sử phù hợp với đặc thù và nhu cầu của cộng đồng người Việt và gốc Việt tại Mỹ.
Mở rộng không gian sách Việt tại Bỉ
Bà Nguyễn Chung Thủy, Trưởng ban Văn hóa xã hội, Tổng hội người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, cho biết, cuối năm 2022, trong chuyến thăm EU, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng cho bà con kiều bào Bỉ một món quà ý nghĩa đó là bộ sách Chào tiếng Việt của nhà xuất bản Giáo dục.
Tổng hội người Việt tại Bỉ đã gửi sách tiếng Việt tới các thư viện các vùng, địa phương của Bỉ.
Theo bà Thủy, với người Việt định cư tại nước ngoài, tiếng Việt là sợi dây kết nối với Việt Nam, với gia đình, bạn bè cho các thế hệ sau này. Nhiều người có mong muốn chồng, con mình học tiếng Việt. Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ trong 10 năm qua với sự đồng hành của Đại sứ quán đã có hoạt động nhằm lan tỏa văn hóa cũng như giữ gìn tiếng Việt. Để bộ sách Chào tiếng Việt đến được gần hơn với nhiều trẻ em, gia đình người Việt Nam tại Bỉ, Tổng hội tiến hành gửi sách tới các thư viện của các vùng, địa phương trên toàn Bỉ để bà con có thể tới mượn và sử dụng linh hoạt theo nhu cầu của mình.
Trong thời gian tới, Tổng hội có kế hoạch thực hiện các hoạt động giảng dạy tiếng Việt, tổ chức chương trình ngoại khóa cho các thanh thiếu niên nói tiếng Việt. Bà Thủy cho rằng, việc ra mắt Chương trình truyền hình "Chào tiếng Việt" làm cho việc giữ gìn văn hóa và tiếng Việt cùng việc dậy và học tiếng Việt dễ dàng hơn. “Chúng tôi mong muốn Nhà nước và Chính phủ có những chính sách, chương trình hỗ trợ bà con dạy và học tiếng Việt phù hợp với bối cảnh và đặc thù của cộng đồng người Việt ở từng nước sở tại”, bà nói.
Giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt trẻ
Đại sứ Việt Nam tại Nhà nước Qatar Trần Đức Hùng cho biết, có khoảng 500 người Việt tại Qatar. Đây là cộng đồng trẻ, con em hầu hết học các trường quốc tế, sử dụng tiếng Anh và tiếng Ả Rập, ít có cơ hội giao tiếp tiếng Việt. Đại sứ quán phối hợp với Ban liên lạc cộng đồng người Việt tại Qatar mở lớp dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng.
Mô hình lớp học là giảng dạy trực tiếp, một giáo viên đứng lớp, một trợ giảng. “Việc tìm kiếm giáo viên chuyên dạy tiếng Việt rất khó khăn. Đại sứ quán phải tìm những giáo viên đứng lớp có khả năng ngôn ngữ và kỹ năng sư phạm trong số du học sinh Việt tại Qatar nhằm đảm bảo truyền tải hiệu quả cho học sinh. Địa điểm học là phòng truyền thống của Đại sứ quán, bố trí phù hợp với việc dạy tiếng Việt. Giáo trình Chào tiếng Việt do Ủy ban nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài”, Đại sứ cho biết.
Theo Đại sứ Trần Đức Hùng, việc mở lớp học tiếng Việt nhằm nâng cao ý thức của người Việt tại Qatar giữ gìn giá trị thiêng liêng của tiếng Việt. Đại sứ quán đã có nhiều hình thức động viên học sinh tham gia lớp học. Sau 2 tháng, các em đều phấn khởi, yêu thích việc học tiếng Việt, yêu thích đến lớp. Các cháu đã thuộc chữ cái, đánh vần, đọc, viết những từ đơn giản.
Theo tạp chí Thời Đại