Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 42 tại Indonesia, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN đã chia sẻ những nội dung chính trong kỳ họp lần này và những đóng góp quan trọng của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 42 từ 10-11/5 tại Indonesia. (Nguồn: TTXVN)
Xin Đại sứ đánh giá về ý nghĩa của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 đặt trong bối cảnh chung của khu vực và quốc tế hiện nay?
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 sẽ diễn ra từ ngày 10-11/5 tại Labuan Bajo, Indonesia. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ASEAN phải đối phó với nhiều khó khăn thách thức.
Đại dịch Covid-19 vừa qua đã để lại những ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế, xã hội ở các nước ASEAN, trong khi những biến động ở khu vực và thế giới tiếp tục có những tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến tham vọng phục hồi của ASEAN.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ở Myanmar vẫn chưa có nhiều tiến triển trong việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm, trong khi đó, trên thế giới, những điểm nóng xung đột vẫn tiếp diễn, kéo dài, gây nhiều hệ lụy làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa đến và đi từ các nước thành viên ASEAN.
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN. (Ảnh: QT)
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 được cho là cơ hội để các nhà lãnh đạo trao đổi, định hướng sự phát triển của ASEAN trong thời gian tới nhằm ứng phó những khó khăn, thách thức trên, củng cố đoàn kết nội khối, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nỗ lực phục hồi của cả Hiệp hội nói chung, của từng thành viên nói riêng.
Đây cũng là lý do khiến chủ nhà Indonesia đã chọn chủ đề của năm 2023 là “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, nhằm phản ánh vai trò của ASEAN trong khu vực, đồng thời vừa nói lên nguyện vọng chung của ASEAN là phát triển trong hoà bình, thịnh vượng trong hài hoà, qua đó ASEAN sẽ trở thành một khu vực kinh tế phát triển nhanh, bao trùm và bền vững, phù hợp với tinh thần hợp tác chung và thực hiện Hiến chương ASEAN.
Trong bối cảnh như vậy, đâu là các điểm nhấn thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN trong khuôn khổ kỳ hội nghị, thưa Đại sứ?
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tới là hội nghị quan trọng để các nước trao đổi triển khai những ưu tiên trọng tâm trong năm 2023 bao gồm thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi; nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN; ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, tự cường y tế, ổn định tài chính-kinh tế.
Cùng với đó, các nhà Lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận các biện pháp, mục tiêu nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN, rà soát quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN để điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và tình hình mới. Mục tiêu là đảm bảo nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN được triển khai nhịp nhàng, hiệu quả trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Đây chính là sáng kiến được Việt Nam khởi xướng năm 2020 khi đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, và vẫn được các Chủ tịch tiếp theo duy trì thực hiện cho đến nay.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội nghị, Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ có cuộc gặp với Nhóm đặc trách cấp cao (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Các Lãnh đạo ASEAN sẽ nghe báo cáo của Nhóm đặc trách về tiến độ xây dựng tầm nhìn của ASEAN, đồng thời trao đổi và sẵn sàng định hướng cho giai đoạn phát triển mới của Hiệp hội sau gần hai thập niên kể từ khi Hiến chương ASEAN ra đời.
Ngoài ra, cũng theo thông lệ hàng năm, Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ có các cuộc gặp với đại diện Hội đồng liên nghị viện ASEAN (ASEAN-AIPA), Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), đại diện thế hệ trẻ ASEAN (ASEAN Youth). Các Hội nghị này sẽ là dịp để ASEAN nỗ lực hơn nữa trong việc tạo cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ; tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với hợp tác ASEAN; tăng cường hiểu biết và gắn bó giữa nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp các nước, hướng tới một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật pháp, thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Dự kiến tại Hội nghị lần này, Các nhà Lãnh đạo ASEAN sẽ thông qua 03 Tuyên bố chung về hướng đến Tầm nhìn sau 2025; Tăng cường Năng lực và Hiệu quả Thể chế ASEAN; Nạn Buôn bán người dưới tác động của Lạm dụng công nghệ.
Với tinh thần chung và khối lượng công việc lớn kể trên, Đại sứ có thể chia sẻ những sáng kiến và đóng góp cụ thể của Việt Nam khi tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 42 lần này?
Với chương trình làm việc dày đặc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham sự các phiên họp, góp phần tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN, thông qua đó đề cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong ASEAN và trên các diễn đàn quốc tế.
Trong thời gian Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với Lãnh đạo các nước ASEAN khác nhằm tăng cường hợp tác song phương với mỗi nước. Từ khi gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam luôn là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, sẵn sàng dẫn dắt, đóng góp lớn cho sự phát triển của ASEAN đặc biệt trong việc xây dựng cộng đồng.
Những đóng góp của Việt Nam trong những năm qua ngày càng được các nước thành viên khác trong ASEAN đánh giá cao và ghi nhận, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong ASEAN.
Trong bối cảnh ấy, sự tham gia của chúng ta tại Hội nghị lần này hết sức quan trọng, với tinh thần góp phần tìm tiếng nói chung của ASEAN trong những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đồng thời ghi nhận và tôn trọng những sự khác biệt có thể có về quan điểm và lợi ích quốc gia giữa các thành viên.
Cụ thể, về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam sẽ đóng góp, ủng hộ các sáng kiến nhằm nâng cao năng lực thể chế và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong ASEAN, rà soát quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN, điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tiễn và tình hình mới. Việt Nam cùng với các nước ASEAN khác cũng sẽ đóng góp hiệu quả về việc xây dựng tầm nhìn của ASEAN sau năm 2025.
Mục tiêu là đảm bảo nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN được triển khai nhịp nhàng, hiệu quả trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Đây chính là sáng kiến được Việt Nam khởi xướng năm 2020, khi ta làm Chủ tịch ASEAN, và vẫn được các Chủ tịch tiếp theo duy trì thực hiện cho đến nay. Trong đợt Hội nghị này Việt Nam cùng với các nước dự kiến sẽ thông qua các Tuyên bố chung liên quan. Các vấn đề quốc tế và khu vực đang nổi lên hiện nay cũng sẽ là mối quan tâm rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến ASEAN. Nhiệm vụ của đoàn Việt Nam là phải góp ý kiến, góp tiếng nói, đề xuất sáng kiến nhằm xây dựng lập trường chung, bảo đảm đoàn kết, thống nhất của ASEAN. Chỉ có như vậy mới duy trì được vai trò trung tâm, hình ảnh của ASEAN trên các diễn đàn quốc tế. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, linh hoạt và sáng tạo, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng tại các Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN, góp phần vào thành công chung của các Hội nghị.
Về vấn đề Myanmar, liệu rằng có những chuyển biến tích cực trong nỗ lực chung của ASEAN đối với vấn đề này tại khuôn khổ kỳ họp hay không, thưa Đại sứ?
Một trong những nội dung quan trọng nữa mà các Lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận là các biện pháp nhằm triển khai hiệu quả Đồng thuận 5 điểm vấn đề Myanmar. Tại Cấp cao năm ngoái, các Lãnh đạo ASEAN đánh giá việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm chưa có nhiều tiến triển. Vì vậy đây cũng sẽ là một ưu tiên cao của ASEAN, và Việt Nam sẵn sàng tích cực tham gia vào tiến trình này.
Với một Chủ tịch ASEAN 2023-Indonesia luôn tích cực, với “đặc sản” là “ngoại giao con thoi”, xin Đại sứ chia sẻ về công việc của Phái đoàn ta tại ASEAN từ đầu năm đến nay cũng như phương hướng nhiệm vụ trong thời gian còn lại của năm 2023?
Với tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, từ đầu năm 2023, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN đã tham gia rất nhiều cuộc họp nhằm triển khai các hoạt động thường xuyên của ASEAN cũng như những trọng tâm, ưu tiên đã được đề ra trong năm ASEAN 2023.
Tại các cuộc họp này, Phái đoàn đã tích cực, chủ động đóng góp đóng góp các sáng kiến do Việt Nam đề xuất. Nhiều văn kiện lớn như các Tuyên bố chung dự kiến được thông qua tại Hội nghị lần này đều có sự tham gia, đóng góp của Phái đoàn Việt Nam cùng với Phái đoàn các nước ASEAN tại Jakarta.
Những đón góp này của Việt Nam đều được các nước đánh giá cao và ghi nhận giúp hình ảnh, vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN tiếp tục được củng cố. Về định hướng trong thời gian tới, Phái đoàn sẽ tiếp tục tham gia đóng góp có trách nhiệm vào các công việc cung của ASEAN, đặc biệt là ủng hộ, sẵn sàng cùng với Phái đoàn các nước ASEAN khác đóng góp vào thành công chung của Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của chủ nhà Indonesia.
TheoBaoquocte