Giản dị, gần gũi, giỏi ngoại ngữ và bao dung - đó là ấn tượng của các nhà báo nước ngoài về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Sandip Hor, nhà báo Ấn Độ
Trao đổi với PV Thời Đại, nhà báo Sandip Hor kể: "Tôi biết đến Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, khi tôi học xong trung học. Thời điểm đó, các con đường ở thành phố Kolkata (Ấn Độ) treo rất nhiều áp phích có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cách mạng khác.
Nhà báo Sandip Hor. (Ảnh: VNA)
Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh Bác Hồ với chòm râu bạc in trên áp phích. Hồ Chí Minh dành cả cuộc đời cho đất nước, dân tộc của mình. Chính vì thế mà người dân Việt Nam gọi ông là Bác Hồ. Với cá nhân tôi, Hồ Chí Minh cũng gần gũi như một người bác. Năm 2006, tôi đến Việt Nam lần đầu tiên và có dịp thăm Lăng Bác.
Khi thăm nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều tôi cảm phục nhất là ông có lối sống thật giản dị. Ông sống trong gian phòng nhỏ, hầu như không có đồ đạc gì đáng giá, chỉ có một chiếc giường đơn và một chiếc đài nhỏ. Phòng ăn cũng giản dị. Dù ngày bên cạnh đó là Phủ Chủ tịch khang trang, nhưng Hồ Chí Minh vẫn chọn sống trong căn nhà giản dị như chính tính cách của ông".
Amarzan Loebis, nhà báo Indonesia (Ảnh: Satupena)
Ông Amarzan Loebis, nhà báo Indonesia:
Tôi gặp "Paman Ho" (Bác Hồ trong tiếng Indonesia) năm 1964, trong một cuộc gặp giữa Bác và đoàn 5 nhà báo Indonesia. Cuộc gặp diễn ra trong một căn nhà nhỏ, ấm cúng bên cạnh Phủ Chủ tịch. Tôi nhớ thư ký của Bác báo Bác xin lỗi vì không thể đến đúng giờ. Vợ của một Bộ trưởng vừa sinh con.
Bác đến thăm bà ấy ở bệnh viện. Khi hai vợ chồng ông Bộ trưởng kết hôn, Bác không thể đến dự. Bác hứa sẽ đến thăm khi họ có con đầu lòng. Chi tiết này khiến tôi ấn tượng vì Bác Hồ luôn giữ lời hứa. Cuộc gặp diễn ra trong không khí vui vẻ, khác xa những cuộc gặp căng thẳng khác giữa báo chí và các lãnh đạo. Bác cư xử hòa nhã, cởi mở khiến chúng tôi không cảm thấy gò bó.
Tôi còn nhớ, Bác nói tiếng Anh lưu loát, không sử dụng phiên dịch. Sau đó tôi được biết Bác còn nói được nhiều thứ tiếng khác nữa. Bác không quên hỏi thăm sức khỏe của "Bung Karno" (cách người Indonesia gọi Tổng thống bấy giờ Sukarno). Bác chủ động bắt chuyện với các thành viên trong đoàn. Thấy tôi là người trẻ nhất, Bác hỏi tôi có hút thuốc không, đã kết hôn chưa. Bác còn nói có hai điều người trẻ không nên học ở Bác, là hút thuốc và không lập gia đình.
Bác Hồ trong mắt bạn bè quốc tế Wilfred Burchett (trái) đã nhiều lần gặp Bác Hồ (Ảnh: The Conversation)
Ông Wilfred Burchett, nhà báo Úc:
Viết về cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Nguyên năm 1954, ngay trước trận Điện Biên Phủ - trích từ sách "Phía bắc vĩ tuyến 17". Thật khó để tin rằng chỉ vài giờ sau khi đến nơi, chúng tôi đã được ngồi với diện với nhà lãnh đạo cách mạng huyền thoại này. Ông ngồi đó với khuôn mặt hiền từ không thể lẫn vào đâu được, đôi mắt ông đen, sâu thẳm, sáng lấp lánh, bộ râu lưa thưa - đó là khuôn mặt mà chúng tôi đã thấy qua tranh ảnh từ nhiều năm trước.
Ông đi ra từ khu rừng tối, không hề báo trước, với một chiếc áo khoác vắt ngang vai. Ông bước đi nhanh nhẹn, tay cầm cây gậy tre dài, đội mũ che nắng trên vầng trán cao, rộng. Ông khiến chúng tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Ông nói tiếng Pháp và tiếng Anh trôi chảy, sau đó còn nói vài câu tiếng Ý với anh đồng nghiệp người Ý của tôi.
Cảm giác đầu tiên của tôi là gần gũi, ấm áp, giản dị. Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến mọi người cảm thấy thoải mái ngay từ lần đầu gặp. Ông có thể giải thích những vấn đề phức tạp chỉ bằng những từ ngữ, cử chỉ đơn giản.
Theo tạp chí Thời Đại