GIỚI THIỆU
CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH VIÊN
TIN TỨC - SỰ KIỆN
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online:
836
Số lượt truy cập:
755243
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh, dẫn dắt nền ngoại giao Việt Nam (kỳ I)
Cập nhật lúc: 12:00 AM, ngày 19/05/2023

 Cả cuộc đời, sự nghiệp của Người đã kết tinh, để lại một di sản vô giá - Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng ngoại giao.

 

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn công tác tại Trung Quốc, tháng 1/1950. (Ảnh tư liệu/ Bảo tàng Hồ Chí Minh)

 

Những sự kiện ngoại giao đầu tiên

 

Ngày 28/8/1945, Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm nhiệm Bộ trưởng. Là bậc kỳ tài “dụng nhân như dụng mộc”, việc kiêm nhiệm chứng tỏ Người rất coi trọng ngoại giao trong hoàn cảnh nước Việt Nam non trẻ đối mặt với thù trong, giặc ngoài, nạn “tam tai”: “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”.

 

Những ngày đầu lập quốc, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch vạch ra đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ngày 14/1/1950, Chính phủ do Hồ Chủ tịch đứng đầu chính thức tuyên bố về đường lối ngoại giao, với nguyên tắc cơ bản là “bình đẳng và tương trợ” và phương châm làm cho “nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết”. Công việc đầu tiên, cấp bách nhất là tìm kiếm sự công nhận quốc tế và trì hoãn nguy cơ chiến tranh đang cận kề.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quốc thư tới lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Liên hợp quốc và nhiều nước khác, thông báo sự ra đời của Việt Nam, kêu gọi quốc tế công nhận. Ngày 2/1/1950, Hồ Chủ tịch bắt đầu chuyến công du nước ngoài bí mật đầu tiên đến Trung Quốc, Liên Xô. Chuyến thăm đã tranh thủ được sự công nhận, ủng hộ của Trung Quốc và giải tỏa hiểu lầm của lãnh đạo Liên Xô với Việt Nam. Trung Quốc, Liên Xô và nhiều nước dân chủ Đông Âu đã thiết lập quan hệ với Việt Nam. Cũng tại núi rừng Việt Bắc, Hồ Chủ tịch đã tiếp vị Đại sứ Trung Quốc đầu tiên.

 

Chỉ trong vòng 3 tháng (3-5/1946), Hồ Chủ tịch đã ký nhiều sắc lệnh, chỉ thị, quyết định những vấn đề cốt tử về ngoại giao, đặc biệt là hai văn kiện pháp lý đầu tiên với Chính phủ Pháp. Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), nước cờ tài tình với phương châm “hòa để tiến”, tránh cùng lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù. Tạm ước 14/9/1946 thể hiện thiện chí hòa bình của Việt Nam và tranh thủ thời gian quý báu để chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến. Hai văn kiện thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược và nguyên tắc biết nhân nhượng đúng mức của Người khi đất nước trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

 

“Vạn sự khởi đầu nan”. Vượt qua khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi danh Việt Nam trên bản đồ thế giới, làm cho các nước hiểu thêm về dân tộc Việt Nam, tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế, phân hóa triệt để kẻ thù, khai thác mọi nhân tố có thể từ bên trong đối phương… Sự khởi đầu đúng đắn mở ra con đường sáng cho ngoại giao Việt Nam.

 

 

Từ trái sang: Hồ Chủ tịch, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám, Ủy viên Cộng hòa Jean Sainteny, Cố vấn chính trị Leon Pignon, Đại diện Đảng Xã hội Pháp Luis Caput tại lễ ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. (Ảnh tư liệu)

 

Luôn quan tâm đến ngoại giao, quan hệ quốc tế

 

Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết định tìm đường cứu nước, với hành trang là trái tim đầy nhiệt huyết, hoài bão. Người đến Pháp, “ông chủ của Đông Dương”, Hoa Kỳ với biểu tượng “Nữ thần tự do” và nhiều nước khác, trực tiếp tìm hiểu chủ nghĩa thực dân, các dân tộc bị áp bức và lực lượng tiến bộ trên thế giới. Tháng 6/1919, Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách của nhân dân Việt Nam đến Hội nghị Versailles. Bản tuyên bố chính trị đầu tiên gồm 8 quyền dân tộc cơ bản, như “quả bom” gây chấn động dư luận Pháp và làm thế giới chú ý đến Việt Nam, một xứ thuộc địa xa xôi.

 

Không những học hỏi tinh hoa thế giới, Nguyễn Ái Quốc còn tham gia nhiều tổ chức, hoạt động quốc tế, như thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa (1925), sáng lập Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông, Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế cộng sản… Nguyễn Ái Quốc tranh thủ được thiện cảm, sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế, nhà cách mạng ở nhiều nước. Thời gian hoạt động ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc khéo léo tranh thủ chính quyền Tưởng Giới Thạch để thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh hội Hải ngoại biện sự xứ”, cơ quan đại diện đầu tiên của Mặt trận Việt Minh ở nước ngoài.

 

Trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh tính tự cường, đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ: Ai là bạn ta? Ai là thù ta? Dân cày, người thợ trên thế giới liên hợp với nhau như anh em một nhà… Chính cương vắn tắt (1930), cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đề ra nhiệm vụ tuyên truyền, liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, trong đó có vô sản Pháp. Mười chính sách của Mặt trận Việt Minh (1941) có 4 điểm về ngoại giao.

 

Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch dẫn tư tưởng bất hủ về quyền tự do, độc lập, bình đẳng, từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Qua đó, Người khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam, gửi thông điệp Việt Nam muốn kết bạn với tất cả các quốc gia, cả Pháp và Mỹ. Bản Di chúc trước lúc “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin…” được cân nhắc từng từ, nhưng Người vẫn dành 1/6 dung lượng (gần 200 từ) để nói về đoàn kết quốc tế. Trước hết là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với sự giúp đỡ to lớn của bạn bè, nhân dân thế giới. Đồng thời đặt trách nhiệm cho Đảng ta phải góp phần đắc lực khôi phục khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình.

 

Từ những hoạt động đầu tiên, quá trình cùng Trung ương Đảng bổ sung, phát triển đường lối, chính sách và lãnh đạo, dẫn dắt nền ngoại giao cách mạng Việt Nam đến lời vĩnh biệt nhân dân, đất nước của Người, đối ngoại, quan hệ quốc tế luôn có vị trí xứng đáng. Cả cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho nhân dân, đất nước, trong đó có ngoại giao.


 

Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ ba tại trụ sở Bộ Ngoại giao (từ 16/12/1963 đến 16/1/1964). (Ảnh tư liệu)


Tạo nền tảng ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không dành nhiều công sức viết sách, nhất là chuyên sâu về lý luận. Nhưng cả cuộc đời, sự nghiệp của Người đã kết tinh, để lại một di sản vô giá - Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng ngoại giao. Đó là hệ thống phong phú, đặc sắc các nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo về các vấn đề thế giới, thời đại và đường lối, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Khó bao quát đầy đủ, chỉ có thể khái quát một số nội dung chủ yếu về tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm sáng tỏ, khẳng định vai trò to lớn của ngoại giao. Trong bài “Đánh giặc bằng mưu”, Người viết: “Dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh”. Hội nghị cán bộ Đảng toàn quốc tại Tân Trào (13-15/8/1945) do Người chủ trì đề ra quyết sách chỉ đạo Tổng khởi nghĩa. Trong đó, “chính sách đối ngoại” xếp sau mục “Chủ trương, biện pháp Tổng khởi nghĩa” và “chính sách đối nội”.

 

Theo Người: “Sau vấn đề phòng thủ, ngoại giao là một vấn đề cần cho một nước độc lập”. Ngoại giao phải đi trước, chiến tranh là vạn bất đắc dĩ để có hòa bình. Ngoại giao là một mặt trận quan trọng, có quan hệ mật thiết với mặt trận chính trị, quân sự; là nội dung cơ bản, quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

 

Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn liền với mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế, nhân tố quyết định thành công, là tư duy nổi bật, nhất quán, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ, phải độc lập, tự chủ cả chính trị, kinh tế, quân sự và đối ngoại. Đồng thời phân tích sâu sắc quan hệ biện chứng giữa các nhân tố: có độc lập, tự chủ mới có bình đẳng thực sự và “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Song độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường không phải là co cụm, khép kín mà sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ, không gây thù oán với một ai”. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp to lớn.

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết là mục tiêu, nguyên tắc tối cao trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, trong đường lối đối ngoại. Lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất là độc lập, tự do, chủ quyền, hòa bình và hạnh phúc của nhân dân.

 

Nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao năm 1964, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “Ngoại giao phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ và nhà ngoại giao phải khôn khéo để lợi ích đó được bảo đảm”. Đây là điểm tựa để Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra các quyết sách ngoại giao, nhất là trong những tình huống hiểm nghèo.

 

Từ những hoạt động đầu tiên, quá trình cùng Trung ương Đảng bổ sung, phát triển đường lối, chính sách và lãnh đạo, dẫn dắt nền ngoại giao cách mạng Việt Nam đến lời vĩnh biệt nhân dân, đất nước của Người, đối ngoại, quan hệ quốc tế luôn có vị trí xứng đáng.

 

(còn tiếp)


Các tin khác:

Cụm thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Liên hiệp: Hoạt động thiết thực, hiệu quả vì sự phát triển bền vững

Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam tôn vinh áo dài Việt

Nhiều mục tiêu và cách làm mới của Hội Hữu nghị Việt Nam - Armenia

Gặp gỡ hữu nghị Việt Nam - Venezuela nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Chú trọng phát triển quan hệ của thế hệ trẻ Việt Nam - Ấn Độ

Chương trình Xuân Quê hương 2025 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 21/1/2025

Cảnh sát biển Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển

Thành lập Liên hiệp các tổ chức người Việt Nam tại Nga

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Trung Quốc, Lào

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Tuyên Quang: dấu ấn đối ngoại nhân dân nhiệm kỳ 2019-2024

TÌM KIẾM

VĂN BẢN MỚI
Quyết định 2418/QĐ-BTNMT năm 2010 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 - 2015

LỊCH
   

LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TỈNH PHÚ THỌ

 

 

 

Địa chỉ: Số 2187, đường Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ)

 

Điện thoại: 02103 851.555

 

Email: lhhnphutho@gmail.com