Sáng 23-7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân Phan Thị Thanh Tâm lên đường thăm Áo, Ý và Tòa thánh Vatican từ ngày 23 đến 28-7.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân lên đường thăm chính thức Áo, thăm cấp nhà nước tới Ý và thăm Tòa thánh Vatican từ ngày 23 đến 28-7 - Ảnh: TTXVN
Theo Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ thăm chính thức Áo theo lời mời của Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen. Chủ tịch nước kế đó sẽ thăm cấp nhà nước đến Ý theo lời mời của Tổng thống Ý Sergio Mattarella. Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cũng sẽ thăm Tòa thánh Vatican theo lời mời của Giáo hoàng Francis.
Các hoạt động của Chủ tịch nước
Tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân Phan Thị Thanh Tâm trong chuyến thăm có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Lãnh đạo các bộ Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng tháp tùng. Ngoài ra còn có lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Định, trợ lý Chủ tịch nước cùng đại sứ Việt Nam tại các nước Áo, Ý.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Áo của Chủ tịch nước Việt Nam trong vòng 15 năm qua và là hoạt động trao đổi đoàn cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới Ý và Vatican trong vòng 7 năm qua.
Lễ tiễn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân lên đường thăm Áo, Ý và Tòa thánh Vatican - Ảnh: TTXVN
Với chuyến thăm Ý của Chủ tịch nước, đây cũng là điểm nhấn quan trọng nhất nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Áo, Ý để trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, lao động và đào tạo nghề, năng lượng tái tạo, giao lưu nhân dân.
Chủ tịch nước cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo hai nước, lãnh đạo các địa phương và tiếp lãnh đạo một số chính đảng của Ý, làm việc với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cũng sẽ gặp Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin.
Quan hệ Việt Nam với Áo, Ý và Vatican
Ngày 1-12-1972, khi chiến tranh ở Việt Nam còn chưa kết thúc, Áo là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Quan hệ Việt Nam và Áo trong hơn 50 năm qua ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Về chính trị và ngoại giao, hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao và các cấp.
Hai bên thường xuyên có các cuộc tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương, các cuộc điện đàm. Về kinh tế, Áo là một trong 10 đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Áo trong khối ASEAN. Trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Áo trong năm 2022 là 2,79 tỉ USD.
Đối với quan hệ Việt Nam - Ý, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-3-1973, quan hệ chính trị giữa hai nước được củng cố và phát triển nhanh chóng. Hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào tháng 1-2013. Trao đổi đoàn cấp cao và tiếp xúc được duy trì thường xuyên.
Gần đây nhất, vào tháng 12-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp song phương Thủ tướng Giorgia Meloni bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN - EU tại Brussels (Bỉ). Về kinh tế, năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 6,2 tỉ USD. Ý hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại EU và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ 36/141 của Việt Nam.
Với Tòa thánh Vatican, trong cuộc họp báo ngày 20-7-2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết quan hệ hai bên thời gian qua có rất nhiều tiến triển tích cực. Việt Nam và Tòa thánh Vatican duy trì tiếp xúc cấp cao, cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam - Vatican (từ năm 2008).
Từ năm 2011, đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican đã hoạt động tại Việt Nam. Ngày 31-3-2023 đã diễn ra cuộc họp vòng 10 Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa thánh Vatican, do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, Đức ông Miroslaw Wachowski đồng chủ trì.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Chính quyền các cấp luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo.
Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Miroslaw Wachowski khẳng định Tòa thánh luôn mong muốn Giáo hội Công giáo Việt Nam hoạt động theo pháp luật Việt Nam và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước theo tinh thần các giáo huấn của giáo hội "sống phúc âm giữa lòng dân tộc", "giáo dân tốt phải là công dân tốt".
Theo BNG