Năm 2020 đánh dấu mốc son quan trọng khi Việt Nam đảm nhiệm cùng lúc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam đã chính thức đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực (UVKTT) Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kì 2020-2021, đồng thời bắt đầu giữ vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020.
Đại diện phái đoàn Việt Nam ăn mừng khi kết quả bỏ phiếu được công bố Việt Nam đắc cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 7/6/2019.
Việt Nam đảm nhiệm trọng trách mới trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển sâu sắc. Trong khi nhiều cuộc xung đột kéo dài ở châu Phi chưa tìm được giải pháp căn cơ, căng thẳng có chiều hướng leo thang ở Trung Đông và những điểm nóng tiềm tàng có nguy cơ bùng phát ở một số khu vực, kể cả châu Á-Thái Bình Dương.
Những hành vi đơn phương, cường quyền, không tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia… cũng thách thức trực tiếp hòa bình và an ninh quốc tế.
Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, chủ nghĩa đa phương, các cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực đều gặp nhiều khó khăn. Cọ xát chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, dẫn tới nhiều hệ luỵ phức tạp, nhất là về chính trị, an ninh, phản ánh trực tiếp tại HĐBA, làm giảm hiệu quả hoạt động, gây bế tắc trên một số vấn đề.
Việt Nam đề cao tinh thần “đối tác vì hòa bình bền vững” với nhiều nội hàm quan trọng về ngăn ngừa xung đột, kiến tạo hòa bình, tái thiết hậu xung đột, tăng cường chủ nghĩa đa phương và các thể chế đa phương, nhất là LHQ và các tổ chức khu vực.
Việt nam thực hiện tốt vai trò Ủy viên không Thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc
Đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐBA ngay tháng mở đầu năm kỷ niệm 75 năm thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề ưu tiên trong tháng là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Sáng kiến được đưa ra nhằm góp phần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
Do mang tính thời sự và đáp ứng đúng mong muốn của cộng đồng quốc tế, phiên thảo luận mở do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì về chủ đề này thu hút 111 lượt phát biểu, số lượng tham gia cao nhất trong lịch sử các phiên thảo luận mở của LHQ, trong đó có phát biểu của Tổng thư ký LHQ và 109 quốc gia thành viên, quan sát viên của LHQ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại phiên thảo luận mở do Việt Nam tổ chức hồi tháng 1/2020 (Ảnh: TTXVN).
Sáng kiến thứ hai của Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA là tổ chức lần đầu tiên tại HĐBA một cuộc họp về thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và ASEAN. Cuộc họp là cơ hội để nâng cao sự hiểu biết của HĐBA nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung về vai trò của ASEAN trong khu vực và thảo luận các nội dung có thể tăng cường hợp tác hơn nữa giữa UN và ASEAN.
Việt Nam khẳng định, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên không thường trực HĐBA, sẽ nỗ lực tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa hai tổ chức, tập trung các lĩnh vực ưu tiên như giải quyết hoà bình các tranh chấp, ngoại giao phòng ngừa, giải trừ quân bị, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, hợp tác biển, an ninh hàng hải. Nhân dịp này, Việt Nam đề xuất tổ chức đối thoại cấp cao ASEAN-LHQ về phát triển bền vững dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN-LHQ sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 10/2020.
Ngoài các đề xuất nêu trên, trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch, HĐBA đã phản ứng rất kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, trong đó có những vấn đề nổi lên như Syria, Libya, tiến trình hòa bình Trung Đông, Yemen, Tây Phi, Mali, Cộng hòa Trung Phi, Cyprus, Colombia, Nam Sudan, CHDC Congo… Ngày 15/1 Việt Nam chủ trì phiên họp về tình hình Mali tại Hội đồng Bảo an; Ngày 16/1 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận về tình hình Yemen dưới sự chủ trì của Việt Nam; Ngày 21/1, Việt Nam chủ trì Phiên họp của Hội đồng Bảo an về “tình hình Trung Đông, bao gồm Palestine”.
Ta đã đáp ứng tất cả các sáng kiến và đề nghị của các nước, vận dụng sáng tạo các luật lệ, thông lệ của Hội đồng, thúc đẩy việc xây dựng đồng thuận để Hội đồng đề ra được các quyết định kịp thời.
Tổng kết tháng Việt Nam là Chủ tịch, HĐBA đã tổ chức 30 hoạt động chính thức, trong đó có 2 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo và 4 cuộc họp thông qua nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống thông tấn của LHQ. Với tư cách Chủ tịch, ta cũng đã tổ chức một buổi họp báo quốc tế và nhiều cuộc họp thông tin về hoạt động của HĐBA cho các nước thành viên, quan sát viên của LHQ, các tổ chức phi chính phủ và các đối tượng quan tâm khác.
HĐBA đã thông qua 13 quyết định, bao gồm 4 nghị quyết và 1 quyết định về việc gia hạn các phái bộ, lực lượng và cơ chế LHQ, 1 tuyên bố của Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 2 thông tin báo chí. Đây là số lượng quyết định nhiều nhất trong một tháng làm việc của HĐBA trong nhiều năm gần đây.
Phát biểu tại phiên họp tổng kết, đại diện các nước cho rằng, việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ngay trong tháng đầu tiên trở thành thành viên HĐBA là thách thức rất lớn, chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này, đánh giá hai sự kiện về thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và hợp tác UN-ASEAN là những dấu ấn quan trọng trong hoạt động của HĐBA.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã xây dựng chương trình nghị sự hợp lý, xử lý linh hoạt các vấn đề phức tạp nảy sinh, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc cung cấp thường xuyên, trong chức trách của Chủ tịch, thông tin về công việc của HĐBA cho các nước không phải thành viên HĐBA, cho các tổ chức phi chính phủ và báo chí.
Việt Nam năm Chủ tịch ASEAN 2020
Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1/2020. Với ASEAN, năm 2020 là năm bản lề quan trọng, kiểm điểm giữa kỳ triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN trong 5 năm tới. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN và đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức tiếp nhận chiếc búa tượng trưng cho chức Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan.
Chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng” (Cohesive and Responsive). Theo Ban Thư ký Quốc gia ASEAN 2020, khái niệm “gắn kết” (cohesive) thể hiện ý tưởng củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm. Khái niệm “chủ động thích ứng” (responsive) là nâng cao năng lực thích ứng trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…, đồng thời cũng là nâng cao khả năng tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Việt Nam đã xây dựng và đưa ra 5 định hướng ưu tiên cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
i. Một là tăng cường thực hiện vai trò và đóng góp của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
ii. Hai là thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
iii. Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN nhằm tạo dựng các giá trị chung của ASEAN.
iv. Bốn là đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới.
v. Năm là nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả của ASEAN thể hiện qua cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.
Mở đầu chuỗi các Hội nghị của ASEAN trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 là Hội nghị ADSOM WG khai mạc tại Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 80 đại biểu đại diện các cơ quan hoạch định chính sách quốc phòng của Bộ Quốc phòng 10 nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN ( 9/1/2020). Chương trình nghị sự Hội nghị lần này tập trung một số nội dung chính: cập nhật tiến trình hợp tác quốc phòng ASEAN và đánh giá về các sáng kiến của ASEAN; thảo luận các sáng kiến mới của ASEAN, kế hoạch hoạt động 3 năm của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và xây dựng các văn kiện cho Hội nghị ADMM-14, ADMM+.
Tiếp đó, trong hai ngày 16 và 17.1, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) diễn ra hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN trao đổi và thống nhất các nội dung chính liên quan đến việc triển khai kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN 35, những vấn đề trọng tâm và ưu tiên của ASEAN trong năm 2020, công tác đối ngoại của ASEAN cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm khác.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN chụp ảnh lưu niệm.
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMMR) và các hội nghị liên quan, ngày 16/1 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra cuộc họp các quan chức cao cấp ASEAN (SOM ASEAN). Đây là sự kiện quan trọng tạo tiền đề thống nhất và triển khai các ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.
Từ ngày 19-20/2, tại Vientiane, Lào, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 5 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith.
Cũng trong dịp này, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chủ trì Cuộc họp đặc biệt của ACC và cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc về Hợp tác ứng phó Covid-19 và Hội nghị đặc biệt Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC).
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 các Bộ trưởng đã thảo luận về phương hướng tăng cường hơn nữa hợp tác và hành động chung của ASEAN trong việc ngăn chặn mối đe dọa từ Covid-19 và nhất trí:
- Tái khẳng định sự gắn kết của ASEAN thông qua các hành động chung hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm chia sẻ thông tin minh bạch, kinh nghiệm và thực tiễn tốt, nâng cao năng lực trong phòng ngừa, phát hiện, nghiên cứu và điều trị nhiễm Covid-19; hỗ trợ lãnh sự phù hợp cho công dân các Quốc gia Thành viên ASEAN khi cần thiết, trên cơ sở các Quy định hướng dẫn được các nước thành viên ASEAN nhất trí; bày tỏ sự tin tưởng đối với năng lực tập thể trong xử lý tình huống.
- Tăng cường khả năng chủ động thích ứng, hành động nhanh chóng và hiệu quả của ASEAN trong kiểm soát dịch bệnh thông qua thúc đẩy sự phối hợp đa ngành và cách tiếp cận tổng thể của Cộng đồng ASEAN, trên cơ sở các nỗ lực hiện có của kênh hợp tác y tế ASEAN; khuyến khích hành động chung của ASEAN thông qua việc tăng cường vai trò của Hội đồng Điều phối ASEAN là cơ quan giám sát chính; giao Ban Thư ký ASEAN đóng vai trò là cơ quan điều phối cấp khu vực nhằm thúc đẩy gắn kết và trao đổi thông tin kịp thời giữa các cơ quan liên quan của ASEAN.
- Giao Ban Thư ký ASEAN cập nhật thông tin thường xuyên lên Hội đồng Điều phối ASEAN về các nỗ lực ứng phó chung của ASEAN đối với dịch Covid-19.
- Tăng cường nỗ lực nâng cao nhận thức đúng của cộng đồng về tình hình dịch Covid-19;
- Kêu gọi chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN và các cơ quan liên quan kịp thời thông báo các thông tin chính xác đến người dân và các quốc gia trong cộng đồng về thực tiễn tình hình; hành động có trách nhiệm và quyết đoán để ngăn chặn các thông tin sai lệch, không đúng sự thật.
- Nhấn mạnh trách nhiệm cao của các Chính phủ trong việc đảm bảo tính minh bạch của thông tin được chia sẻ cho người dân và các quốc gia thành viên khác trong Cộng đồng ASEAN về thực trạng ở mỗi quốc gia và các biện pháp được thực hiện.
Tính đến nay, thế giới đã ghi nhận 156.433 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó 5.821 ca tử vong. 6 quốc gia ASEAN gồm Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Campuchia và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus nguy hiểm này.
Bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith.
Trong năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, dự kiến Việt Nam sẽ chủ trì hơn 300 hoạt động ở các cấp khác nhau, rộng khắp ở các lĩnh vực và xuyên suốt 3 trụ cột của ASEAN. Trong đó, nổi bật là hai đợt Hội nghị Cấp cao: Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (tháng 4/2020) và Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-New Zealand tại Đà Nẵng (tháng 4/2020); Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị có liên quan tại Hà Nội (tháng 11/2020). Một hoạt động lớn nữa là Việt Nam chủ trì Đại hội đồng liên Nghị viện lần thứ 41 tại Hạ Long (tháng 8/2020).
Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ nỗ lực tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa hai tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như giải quyết tranh chấp, ngoại giao phòng ngừa, giải trừ quân bị, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, hợp tác biển, an ninh hàng hải. Sự chủ động tham gia của Việt Nam như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế một mặt đã tiếp tục đẩy mạnh quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước vào đời sống chính trị, kinh tế toàn cầu nhưng mặt khác cũng đã nâng cao tầm vóc, vị thế đất nước và nhận được sự ủng hộ, tin cậy từ bạn bè khắp thế giới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Thế và lực của nước ta đã được tăng cường, đất nước đang khởi sắc, vận nước đang lên. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Hà Phương