Tối 12/10, Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trước thềm Lễ trao Giải, ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã trao đổi với phóng viên TTXVN về các nội dung xung quanh Giải thưởng năm nay.
Năm 2023 là năm thứ 9 của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại. Qua mỗi kỳ tổ chức, Giải ngày càng thể hiện sự uy tín, thu hút đông đảo của các tác giả, nhóm tác giả tham gia. Theo ông, đâu là những điều làm nên thành công của Giải?
Có thể nói rằng, bước tới mùa giải thứ 9, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại đã xác định được vị trí của mình trong hệ thống giải quốc gia và thực sự thu hút sự quan tâm của những người làm công tác thông tin đối ngoại và cả những người không làm công tác thông tin đối ngoại.
Ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Nguyên nhân do các yếu tố sau: Thứ nhất, công tác thông tin đối ngoại ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Đây không còn là công việc riêng của một ngành nào, hay công việc riêng của những người làm thông tin đối ngoại nữa.
Các địa phương hiện cũng rất quan tâm đến việc quảng bá thế mạnh của mình trên trường quốc tế; mỗi ngành trong công tác hội nhập quốc tế của mình cũng đều quan tâm đến việc tuyên truyền hoạt động của mình trên trường quốc tế. Còn mỗi người dân, khi ra nước ngoài, thông qua hoạt động văn hóa, thể thao cũng tiếp cận nhiều với quốc tế.
Thứ hai, bản thân hệ thống giải của Giải thưởng cũng đã mở rộng ra rất nhiều hạng mục, thể hiện sự sôi động, phong phú của công tác thông tin đối ngoại, đó là không chỉ nằm trong lĩnh vực báo chí, trong những sản phẩm để quảng bá Việt Nam ở nước ngoài, mà còn trong ý tưởng, hoạt động đưa hình ảnh Việt Nam được lan tỏa một cách tích cực trên trường quốc tế.
Chính vì vậy, Giải thưởng có hạng mục krất độc đáo. Bên cạnh đó, Giải cũng tiếp cận với những sản phẩm truyền thông mới, với hạng mục “Video clip” ngắn, phù hợp với xu thế truyền thông mới trên không gian mạng, mạng xã hội. Thực tế cho thấy những sản phẩm như thế này có tính lan tỏa và hiệu ứng về thông tin rất tốt.
Có thể nói, các hạng mục giải của Giải thưởng đã bám rất sát với đời sống thực tiễn.
Thứ ba, công tác tổ chức Giải thưởng ngày càng chuyên nghiệp hơn và mang tầm vóc quốc gia. Trong những mùa giải gần đây, Giải thưởng luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Các đồng chí lãnh đạo không chỉ tham dự, mà còn có những phát biểu chỉ đạo và trực tiếp trao giải lớn nhất. Lễ trao Giải được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Điểm cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh điều làm nên tính khác biệt của Giải đó là những người được trao giải như tôi đề cập ở trên, không chỉ là những người làm công tác thông tin đối ngoại chuyên nghiệp, mà còn có thể là những nghệ sỹ, người dân và cả bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam.
Có những tác giả ở xa Việt Nam đã rất ngạc nhiên khi nhận được thông tin của Giải và hưởng ứng rất nhiệt tình. Họ chia sẻ sự bất ngờ, xúc động khi nhận được Giải thưởng. Một số tác giả chia sẻ, với tất cả tình cảm đối với Việt Nam, mong muốn viết về Việt Nam, nói về Việt Nam, và khi được thông báo đoạt giải thưởng danh giá như thế này, thì rất xúc động và sẵn sàng bỏ chi phí để đến Việt Nam nhận giải và coi đó là một lần trải nghiệm thực sự. Đây là những điều khiến cho Giải thưởng ngày càng có thêm sự thu hút.
Như ông đã chia sẻ, điểm đặc biệt của Giải thưởng toàn quốc thông tin đối ngoại là tôn vinh các sáng kiến, video clip ngắn về thông tin đối ngoại, trong đó có những sản phẩm do các cá nhân, tổ chức không phải là các cơ quan báo chí thực hiện. Vậy theo ông, làm thế nào để có thể quảng bá được những sáng kiến, video clip này một cách chính thống, rộng rãi hơn?
Ở đây tôi muốn đề cập tới hai điểm. Thứ nhất, có nhiều sáng kiến, ý tưởng, video clip, bản thân các tác giả không chủ động gửi đi thi, mà do chính Ban Tổ chức phát hiện, bình chọn trao giải nhờ sức lan tỏa của các sản phẩm đó. Những sản phẩm này đã mang đến hiệu ứng và hiệu quả thực sự trong việc quảng bá về Việt Nam.
Thứ hai, bản thân những sản phẩm này đã có tính lan tỏa rồi, nên khi được trao giải lại tiếp tục được tạo điều kiện để lan tỏa hơn nữa, tạo ra những hiệu ứng có thể gọi là cộng hưởng thêm nữa đối với những sản phẩm mà có tác dụng rất thực tế trong đời sống và đối với công tác thông tin đối ngoại.
Theo ông, trong thời gian tới cần những cải tiến nào để Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại tiếp tục phát triển, củng cố uy tín của một giải thưởng thông tin hàng đầu?
Thời gian qua, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại đã có được những đổi mới, đáp ứng kịp với thực tiễn của công tác thông tin đối ngoại. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy thực tế biến chuyển nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh truyền thông quốc tế và cách mạng khoa học công nghệ đi rất nhanh, cùng với đó là những thành tựu, những dấu ấn của hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước ta cũng rất phong phú.
Do đó, muốn đảm bảo dấu ấn, uy tín của Giải thưởng, trước hết cần tiếp tục phát huy những tính năng động, sáng tạo của Giải lâu nay. Bên cạnh đó, cũng cần khắc phục một số hạng mục có xu hướng đi vào lối mòn.
Tôi cho rằng điểm quan trọng nhất là nâng cao tính hiệu quả và lan tỏa của thông tin đối ngoại và lấy đó làm tiêu chí để bình chọn, xét giải. Có thể có những bài báo rất hay, rất sâu sắc, có nhiều chuyên gia đánh giá cao nhưng chưa có cách thức tiếp cận được nhiều độc giả, lan tỏa đến trường quốc tế thì cũng chưa thể coi đó là một sản phẩm thông tin đối ngoại hoàn hảo.
Đây là những yếu tố mà tôi cho rằng trong thời gian tới cần lưu ý để tiếp tục cải tiến, gia tăng sức hút, sự hấp dẫn của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Việt Đức/TTXVN