Hát Xoan Phú Thọ được nhân dân cả nước biết đến như một di sản văn hóa độc đáo của Đất Tổ Hùng Vương. Người dân vùng Xoan ý thức được rõ ràng di sản văn hóa mà họ đang sở hữu, trân trọng, tự hào với Di sản Xoan và thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, phát triển; sự ra đời ngày càng nhiều của các câu lạc bộ (CLB) Hát Xoan ở khắp các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan, đưa hát Xoan đến gần hơn với đời sống cộng đồng.
Hát Xoan cho người ta nhận thức rõ ràng về các loại hình tín ngưỡng truyền thống của người Việt như tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, thờ Vua Hùng, thờ tổ tiên… Các loại hình tín ngưỡng đó gắn kết chặt chẽ và đưa đến đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của người Việt Nam. Đạo lý đó thấm vào trong Xoan và tỏa sáng đến những ai cảm thụ và trân trọng loại hình di sản sáng giá này. Suốt chiều dài lịch sử, hát Xoan đã được các thế hệ nghệ nhân nối tiếp nhau gìn giữ, hoàn thiện và truyền dạy, trở thành nghệ thuật dân gian hát múa phong phú với hình thức biểu diễn nghệ thuật vừa chặt chẽ vừa cởi mở. Chặt chẽ trong chặng hát nghi lễ, cởi mở trong chặng hát quả cách và hát giao duyên. Chính nhờ hình thức nghệ thuật độc đáo này mà Hát Xoan được cộng đồng đón nhận và trở thành định lệ trong nghi thức thờ thần trong khắp các không gian thờ cúng Vua Hùng ở Phú Thọ.
Năm 2011, UNESCO đã đưa hát xoan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ngày 8/12/2017, UNESCO đã chính thức đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này cũng đánh dấu thành công bước đầu của tỉnh Phú Thọ và của cộng đồng đã nỗ lực, quyết tâm triển khai nhiều hoạt động nhằm khôi phục và phát triển loại hình văn hóa riêng độc đáo này.
Sau khi hát xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ tiếp tục có những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị hát xoan, làm cho di sản hát Xoan thực sự hồi sinh, lan tỏa và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm mà tỉnh đề ra là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và dần đưa hát Xoan trở thành một sản phẩm du lịch thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước... Chủ trương bồi dưỡng các lớp nghệ nhân kế cận, mở các lớp Xoan trong cộng đồng, thành lập các câu lạc bộ hát Xoan và đưa hát Xoan vào trường học luôn được chính quyền và cộng đồng quan tâm. Phong trào hát Xoan ở các phường Xoan gốc tại 2 xã Kim Đức, Phượng Lâu với hàng trăm nghệ nhân, đào kép; Phú Thọ đã thành lập, duy trì và phát triển các CLB Hát Xoan ở khắp các địa phương, cơ quan, ban, ngành, trường học trong tỉnh. Đến nay, số lượng các CLB Hát Xoan ngày càng tăng lên. Để hoạt động của các CLB đạt hiệu quả, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh đã tổ chức các lớp truyền dạy, thực hành hát Xoan cho đối tượng là hạt nhân các CLB Hát Xoan và dân ca cấp tỉnh, các đội văn nghệ quần chúng, cán bộ văn hóa các xã có CLB Hát Xoan, Từ chỗ chỉ có 7 nghệ nhân thì đến nay đã có gần 300 nghệ nhân có khả năng truyền dạy hát Xoan. Số lượng nghệ nhân sinh hoạt trong các câu lạc bộ Xoan gốc đã không ngừng được nâng lên. Đến nay đã có hàng chục câu lạc bộ với hàng nghìn thành viên. Ngoài các câu lạc bộ được tỉnh công nhận thì các xã, phường cũng đã thành lập hơn 100 câu lạc bộ với hơn 1000 thành viên. Tại các CLB, các thành viên được tập huấn kỹ năng trình diễn hát Xoan thông qua sự truyền dạy, hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân đến từ các phường Xoan; tham gia biểu diễn, giao lưu để học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng phong trào tại địa phương cơ sở. Đặc biệt, tại thành phố Việt Trì, UBND thành phố đã phát động, triển khai nhiều hoạt động, tạo sức lan toả mạnh mẽ cho Hát Xoan, trong đó đã tập trung phát triển các CLB Hát Xoan tại các phường, xã, khu dân cư trên địa bàn. Nhà Văn hóa thành phố trực tiếp xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức cho các CLB biểu diễn Hát Xoan vào dịp cuối tuần tại vườn hoa công viên Văn Lang, Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Việt Trì. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các thành viên, hội viên CLB, thu hút các tầng lớp nhân dân từ người cao tuổi đến các cháu thanh thiếu nhi tham gia, khi nghe hát mọi người đều bập bẹ hát, múa theo điệu trống... Qua đó góp phần tạo ra không gian kết nối văn hóa mang đậm sắc màu truyền thống; nâng cao nhận thức, bồi đắp tình yêu Hát Xoan trong thế hệ trẻ.
Cùng với việc thành lập CLB Hát Xoan tại các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn, tỉnh còn triển khai dự án đưa Hát Xoan vào học đường với 100% số trường học các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT có truyền dạy hát Xoan thông qua bộ môn Âm nhạc và chương trình học ngoại khóa với các bài Hát Xoan phù hợp. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ hàng năm.
Có thể khẳng định, sự ra đời và phát triển của các CLB Hát Xoan từ tỉnh đến cơ sở đã cho thấy sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa mạnh mẽ của Xoan; đồng thời khẳng định những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan.