Ngày 9/11 tại Hà Nội, trong cuộc gặp Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Peru Luis Villanueva Carbajal cho biết: Đảng Cộng sản Peru muốn tìm hiểu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Ông Luis Villanueva Carbajal nói: Việt Nam - Peru có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, quan hệ hai nước hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và truyền thống hữu nghị hai bên. Chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Peru tại Việt Nam từ ngày 9-19/11 nhằm tìm hiểu về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, về chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay và việc củng cố, phát triển quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đồng thời, đoàn mong muốn thảo luận với các đối tác, bạn bè, tìm phương hướng góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hai nước.
Thông tin đến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Peru, Chủ tịch Phan Anh Sơn cho biết: sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam hiện là quốc gia đang phát triển với quy mô dân số gần 100 triệu người, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 dự kiến đạt gần 430 tỷ USD. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao năm 2045. Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Chiến lược xác định 3 đột phá trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thể chế, phát triển nhân lực.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn (phải) tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Peru Luis Villanueva Carbajal, ngày 9/11 tại Hà Nội (Ảnh: Thu Hà).
Trong tình hình, bối cảnh mới, Việt Nam điều chỉnh chính sách đối ngoại nhưng kiên định duy trì, phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Độc lập, tự chủ, đoàn kết quốc tế; Hòa bình, rộng mở, thêm bạn, bớt thù. Điều này được thể hiện trong chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và 247 chính đảng tại 117 quốc gia.
Ông Phan Anh Sơn cho biết, Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện mục tiêu đó, cần phát triển kinh tế kèm bảo vệ môi trường, công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các giai tầng trong xã hội, các thành phần kinh tế đều đóng vai trò quan trọng khác nhau trong công cuộc phát triển đất nước. Về văn hóa, cần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Về công tác lãnh đạo, quản trị quốc gia, cần có cơ chế, chính sách phát triển phù hợp với thời đại, tiến bộ khoa học công nghệ, luật pháp và xu thế chung của thế giới. Cần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu do đất nước, Đảng đề ra.
Cụ thể là cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm, tài năng lãnh đạo, quản lý; đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc, của nhân dân lên hàng đầu; không tham nhũng, lãng phí. Ông Luis Villanueva Carbajal chúc mừng những thành tựu phát triển của Việt Nam. Hai bên nhất trí tiếp tục kết nối, trao đổi, hợp tác trong thời gian tới.
Theo Tạp chí Thời đại