GIỚI THIỆU
CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH VIÊN
TIN TỨC - SỰ KIỆN
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online:
675
Số lượt truy cập:
755077
Giao lưu văn hóa kết nối tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc
Cập nhật lúc: 9:50 AM, ngày 14/12/2023

Văn hóa là cầu nối hiệu quả để nhân dân nước bạn Trung Quốc hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam đồng thời lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam đến với nước bạn và thế giới. Đó là tinh thần chính trong cuộc trao đổi của ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc với phóng viên Tạp chí Thời Đại về vai trò của văn hóa trong quan hệ hữu nghị nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. 

 

 

Ông Nguyễn Vinh Quang có 45 năm gắn bó với công tác nghiên cứu Trung Quốc trên cả ba kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Ông từng là Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á (Ban Đối ngoại Trung ương), Công sứ - Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc và hiện là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

 

  

 

 

 

Giao lưu văn hóa kết nối tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh: Đinh Hòa)

 

 

 

Dành nhiều tâm huyết thúc đẩy giao lưu văn hóa, ông Quang cho rằng đây chính là cầu nối giữa các dân tộc, giữa nhân dân các nước với nhau. Ông kể: Năm 1992, tôi được cử sang công tác ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Khi ấy hai nước mới bình thường hóa quan hệ. Tôi đến hầu hết các nhà hát ở Bắc Kinh tìm hiểu xem họ biết gì về Việt Nam, về văn hóa Việt Nam. Tôi nhận ra rằng họ biết rất ít về Việt Nam, chủ yếu về thời kỳ chiến tranh với một vài tác phẩm như “Sống như anh” đã được sang tiếng Trung hay bộ phim “Lửa hận rừng dừa” do Trung Quốc sản xuất…

 

 

Để thúc đẩy người dân hai nước hiểu nhau hơn, ông Quang cùng Giáo sư Lợi Quốc (Đại học Bắc Đại) thực hiện chương trình Du lịch Việt Nam bằng con đường âm nhạc. Thông qua chương trình này, chèo Đồng bằng Bắc Bộ, chầu văn, hát xoan, quan họ Bắc Ninh đến hò Thanh Hóa, ví dặm Nghệ Tĩnh, hò Huế, tuồng Bình Định, cải lương miền Nam, cồng chiêng Tây Nguyên… được giới thiệu tới thính giả Trung Quốc.

 

 

Chương trình còn giới thiệu một số nhạc sĩ nổi tiếng nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có Văn Cao. "Chương trình kéo dài 160 phút, chia làm ba buổi, phát sóng trên Đài Phát thanh Nhân dân Bắc Kinh. Sau chương trình, một người Trung Quốc cao tuổi đến Đại sứ quán hỏi tôi để bắt tay cảm ơn vì đã cho họ nghe một chương trình về âm nhạc Việt Nam thú vị đến vậy. Có thể nói chương trình rất thành công.

 

 

Đài Phát thanh Nhân dân Đại Liên sau đó cũng cử người lên Bắc Kinh và đề nghị tôi hợp tác làm chương trình âm nhạc tương tự. Khi đó tôi hết nhiệm kỳ phải về nước nên gửi cho họ một cuốn băng cassette ghi những bài dân ca Việt Nam đã được chọn lọc kỹ lưỡng. Vì khi đó không có nhiều phương tiện để lưu giữ nên đó là cuốn băng duy nhất", ông Quang kể lại.

 

 

"Khát vọng" kết nối tình hữu nghị

 

 

Năm 1994, bộ phim truyền hình dài tập “Khát vọng” của Trung Quốc được chiếu ở Việt Nam, để lại nhiều ấn tượng đẹp với khán giả Việt Nam. Ông Nguyễn Vinh Quang đã kết nối Nhà hát Tuổi trẻ của Việt Nam với Nhà hát Thanh niên và Nhà hát Thiếu niên của Trung Quốc tổ chức cho đoàn diễn viên phim “Khát vọng” sang Việt Nam giao lưu.

 

 

  

 

 

Giao lưu văn hóa kết nối tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc Một buổi biểu có sự kết hợp của các nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc. (Ảnh: nhahatmuaroivietnam.vn)

 

  

"Đoàn phim được chào đón nồng nhiệt. Gặp diễn viên, bà con reo lên: “Cô Phương đây rồi! Thầy giáo La Cương đây rồi!”. Đó là những nhân vật nổi tiếng trong bộ phim “Khát vọng”.

 

 

Lúc qua phà, đoàn không qua nổi vì bà con vây quanh. Đoàn còn đến thăm nhà nhạc sĩ Văn Cao và trò chuyện cùng ông. Lúc về, đoàn tổ chức bữa cơm thân mật cảm ơn tôi. Ông Bí thư chi bộ Nhà hát Thanh niên Trung Quốc nói: Sau chuyến đi này suy nghĩ của tôi về Việt Nam đã thay đổi. Chúng tôi được người dân Việt Nam đón tiếp hữu nghị, thân thiện nên rất vui", ông Quang cho biết. Thấy nhiều phim Trung Quốc được chiếu ở Việt Nam trong khi chưa có phim Việt Nam nào chiếu ở Trung Quốc, ông Quang tìm cách đưa phim Việt sang nước bạn.

 

 

Theo lời ông kể, năm 1995 khi phim “Cỏ lau” của Việt Nam đạt giải Ngọn đuốc vàng Liên hoan phim Bình Nhưỡng (Triều Tiên), ông đã điện cho đoàn đề nghị để phim đó lại Bắc Kinh. Cuối cùng, nguyện vọng đưa phim Việt lên sóng truyền hình Trung Quốc đã thành công.

 

 

Tết Việt lên sóng truyền hình nước bạn

 

 

Tết Tân Mão 2011, ông Quang lên chương trình truyền hình trực tiếp của kênh CCTV-13 kể về những nét đặc sắc của Tết Việt. Ông nói: mèo là một trong những con vật gần gũi, thân thiết với người Việt. Mỗi đứa trẻ Việt Nam thường lớn lên với lời ru của bà, của mẹ: “Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà...”. Vì vậy, trong 12 con giáp ở Việt Nam có con mèo chứ không phải con thỏ như các bạn Trung Quốc. Trong chương trình, ông Quang cũng kể về tục hái lộc vào đêm giao thừa của người Việt. Ở Trung Quốc không có tục này. Theo đó, chữ "lộc" trong tiếng Hán có nghĩa là bổng lộc, nhưng trong tiếng Việt, ngoài nghĩa trên còn có nghĩa là chồi non.

 

 

Người Việt quan niệm chồi với lộc nên hái được chồi non cũng là hái được lộc cho cả năm may mắn. Nhấn mạnh vai trò của giao lưu văn hóa đối với việc tăng cường hiểu biết, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng và các nước trên thế giới nói chung, ông Nguyễn Vinh Quang kiến nghị, cán bộ ngoại giao cũng phải được đào tạo về văn hóa Việt Nam. Có như vậy bạn bè thế giới mới hiểu về Việt Nam hơn, đồng thời lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.

 

 

Theo tạp chí Thời Đại 


Các tin khác:

Cụm thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Liên hiệp: Hoạt động thiết thực, hiệu quả vì sự phát triển bền vững

Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam tôn vinh áo dài Việt

Nhiều mục tiêu và cách làm mới của Hội Hữu nghị Việt Nam - Armenia

Gặp gỡ hữu nghị Việt Nam - Venezuela nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Chú trọng phát triển quan hệ của thế hệ trẻ Việt Nam - Ấn Độ

Chương trình Xuân Quê hương 2025 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 21/1/2025

Cảnh sát biển Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển

Thành lập Liên hiệp các tổ chức người Việt Nam tại Nga

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Trung Quốc, Lào

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Tuyên Quang: dấu ấn đối ngoại nhân dân nhiệm kỳ 2019-2024

TÌM KIẾM

VĂN BẢN MỚI
Quyết định 2418/QĐ-BTNMT năm 2010 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 - 2015

LỊCH
   

LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TỈNH PHÚ THỌ

 

 

 

Địa chỉ: Số 2187, đường Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ)

 

Điện thoại: 02103 851.555

 

Email: lhhnphutho@gmail.com