Nhà văn Thụy Điển Sara Lidman viết về Madame Nguyễn Thị Bình trong cuốn sách: “Trong trái tim thế giới”.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: Văn Lượng/TTXVN
50 năm đã trôi qua, hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiêm Trưởng Phái đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời, vẫn luôn trong trí nhớ của những người yêu chuộng Việt Nam, ủng hộ nền hòa bình thế giới.
Việt cộng làm chấn động thế giới
Sáng 5/11/1968, hàng loạt báo chí Pháp đã đưa tít lớn: “Việt cộng đến Paris”, “Việt cộng chiến thắng”, “Madame Bình đã làm chấn động Paris và thế giới”, “Cuộc đổ bộ kỳ tích của Việt cộng”… Bức ảnh một phụ nữ Việt Nam mặc áo dài màu hồng sậm, khoác chiếc măng tô xám với chiếc khăn quàng màu đen chấm hoa đứng giữa rừng máy ảnh và biển người vây quanh ngay khi bà vừa bước xuống máy bay được xếp ở trang nhất.
Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam với phong thái lịch thiệp, thái độ thân thiện, hòa nhã, tự tin để lại ấn tượng mạnh với những người gặp và báo chí lúc đó. Họ quay sang nói với nhau: “Việt cộng văn minh quá”, “đâu phải người từ rừng ra”…
Bà Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại Nhà yêu nước Phan Châu Trinh, đã tốt nghiệp tú tài, ngoại ngữ giỏi, có thời gian dài làm chính trị và hoạt động ở Sài Gòn. Có lẽ đây là những lý do bà được Bác Hồ chọn tham gia đàm phán.
Trải qua gần năm năm đàm phán, “Bà hoàng Việt cộng” Nguyễn Thị Bình đã giành được sự kính phục, tôn trọng của những chính khách, các nhà báo quốc tế, ngay cả những người Mỹ. Chủ trì rất nhiều cuộc họp báo, có cuộc đến 400 nhà báo của trên 100 quốc gia, những người được tiếp xúc với bà đều có một cảm nhận chung: Một con người tự tin, hòa nhã, mềm mỏng nhưng cũng vô cùng kiên định, vững vàng. Bà Nguyễn Thị Bình, với ưu thế ngoại ngữ tốt và sự thông minh, nhạy bén, sắc sảo cùng sự mềm mỏng, hòa nhã, linh hoạt của một phụ nữ Việt Nam đã thuyết phục được cả những nhà báo khó tính.
Nhiều nhà báo phương Tây đã đưa ra những câu hỏi châm biếm cho bà nhưng bà luôn linh hoạt ứng phó. Có lần, một nhà báo hỏi: “Bà có ở Đảng Cộng sản không?”. Bà nhanh nhẹn trả lời: “Tôi thuộc Đảng yêu nước”. “Có quân đội miền Bắc ở miền Nam không?”, bà trả lời: “Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như ở Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược”. Nhà báo lại hỏi: “Vùng giải phóng ở đâu?”. Bà Bình liền đáp lại: “Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đó chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom?”.
Trong quá trình đàm phán, bà luôn tâm niệm: “Họ có quyền hỏi, mình có quyền trả lời. Nhưng trả lời thế nào để họ tâm phục khẩu phục, hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc mình, đó mới là điều quan trọng”.
Sau này, cũng có lần bà nói: “Nếu mình là phụ nữ biết ứng xử khôn khéo, người ta cũng dễ có tình cảm hơn, sẽ nghe những điều mình muốn nói về lập trường của mình”.
Nhớ lại khoảnh khắc là một trong bốn người ký vào Hiệp định Paris, bà từng viết: “Khi đặt bút ký vào bản Hiệp định chiến thắng, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí ngã xuống - những người không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, mắt tôi bỗng nhòe ướt. Trong cuộc đời tôi, đây là vinh dự rất lớn vì được thay mặt nhân dân, các chiến sỹ cách mạng để đấu tranh trực diện với kẻ thù xâm lược ngay tại Paris, được đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng sau 18 năm cả nước tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh gian khổ… Đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi”.
Người phụ nữ can trường của dân tộc
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tại lễ kỷ niệm trọng thể 50 Ngày ký Hiệp định Paris diễn ra cách đây ít ngày tại Hà Nội, có một khoảnh khắc khiến cả hội trường xúc động. Khi bà Nguyễn Thị Bình được giới thiệu, cả hội trường đứng lên vỗ tay dài không ngớt, không ít người đã rớm nước mắt khi 50 năm sau Ngày ký Hiệp định, họ vẫn còn được gặp lại người phụ nữ can trường của dân tộc Việt Nam.
Ở tuổi 96, không còn phong thái nhanh nhẹn, đôi mắt đã mờ đục, nhưng trí tuệ của bà vẫn vô cùng mẫn tiệp. Bà chia sẻ: “Cuối năm 1968, tôi được chỉ thị của Đảng là tham gia đàm phán ở Paris. Tôi rất cảm ơn các đồng chí lãnh đạo đã có sự tin cậy, giao cho tôi trọng trách lớn. Trong gần 5 năm, tôi đã tham gia cuộc đàm phán ở Paris.
Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, là một trong bốn người đã ký vào Hiệp định Paris”. Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Paris nhận định: "Hiệp định Paris là thắng lợi có tính quyết định đi đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là kết quả của gần 20 năm chiến tranh ác liệt, gian khổ của cả dân tộc".
Bà cũng tri ân các chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao của Việt Nam, đồng thời là thắng lợi của phong trào thế giới ủng hộ, đoàn kết với Việt Nam. Khẳng định yếu tố quyết định thắng lợi của Hiệp định Paris là nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bà Nguyễn Thị Bình đã nhắc đến sự đoàn kết và ủng hộ hết sức mạnh mẽ của thế giới, đem lại thêm sức mạnh cho Việt Nam ở trên chiến trường cũng như ở trên bàn đàm phán.
Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nếu nghệ thuật “vừa đánh vừa đàm” đã chuyển được những thắng lợi quân sự thành thắng lợi ngoại giao trên bàn đàm phán thì nghệ thuật tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta là nghệ thuật kết hợp sức mạnh của thời đại. Sự kết hợp này không phải là khẩu hiệu mà đã là một thực tế. “Phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam là sức mạnh tạo điều kiện cho chúng ta tiến công kẻ thù trên bàn đàm phán. Cuộc đấu tranh kiên cường vì độc lập tự do của nhân dân ta đã lay động tình cảm và lương tri của những người yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới”. Ngay cả ở Mỹ, lúc đầu người dân Mỹ không quan tâm, thậm chí còn ủng hộ hành động chiến tranh. Nhưng sau đó, họ nhận ra tính chất phi nghĩa của cuộc chiến do giới cầm quyền Washington phát động và khi Mỹ ngày càng sa lầy vào cuộc chiến này thì phong trào phản chiến phát triển càng mạnh. Chính nhân dân Mỹ đã góp phần làm cho nhân dân các nước hiểu và ủng hộ cho cuộc chiến đấu của Việt Nam.
Cũng chính bà Nguyễn Thị Bình - người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài truyền thống trong những ngày tháng đàm phán tại Paris là một nhân tố quan trọng trong kết nối tình đoàn kết quốc tế, thúc đẩy ngoại giao nhân dân lúc bấy giờ. Bà Socorro Gomes Coelho, nguyên Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới nhớ lại những năm tháng đồng hành cùng phong trào phản chiến: “Madame Bình là cái tên tôi thường xuyên nghe đến trong thời gian đó, khi chúng tôi, những sinh viên trẻ tham gia biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Bà Bình khi đó được xem như một trong những biểu tượng của phụ nữ chúng tôi. Bé nhỏ, nền nã trong tà áo dài truyền thống Việt Nam nhưng rất đanh thép khi tham gia họp báo”. “Ôi, Madame Bình, một phụ nữ Việt Nam tuyệt vời, con người quả cảm.
Ở thời chúng tôi, bà là một trong những tấm gương sáng chúng tôi muốn học hỏi. Bất cứ thông tin gì liên quan đến bà Bình, chúng tôi đều hào hứng tìm đọc. Bà Bình chính là nguồn cảm hứng để chúng tôi mong muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam, biết tới cuộc chiến tranh phi nghĩa ở đây và từ đó tham gia phong trào phản chiến, ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa chống lại quân xâm lược tại Việt Nam”, bà Corazon Valdez Fabros phụ trách nhóm lĩnh vực hòa bình và an ninh thuộc Diễn đàn nhân dân Á - Âu, thành viên Hội đồng Hòa bình thế giới chia sẻ.
“Đối với tôi, cuộc đàm phán Paris diễn ra như một cuốn phim với những mốc quan trọng của cuộc đấu tranh, đấu trí căng thẳng để đi đến thắng lợi”, bà Nguyễn Thị Bình nói. Trong cuốn phim ấy, bà đã có biết bao câu chuyện ly kỳ, xúc động, gặp biết bao hiểm nguy, vất vả, còn cả những phút dằn mình lại trong nỗi nhớ nhung gia đình riêng, để trở thành một trong những người đặt bút ký vào Hiệp định Paris, người phụ nữ duy nhất ký tên trong văn kiện lịch sử đó - Madame Nguyễn Thị Bình.