Đại sứ Mai Phan Dũng đã có phát biểu chung thay mặt nhóm liên khu vực với nội dung kêu gọi đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Phái đoàn Việt Nam tại khóa họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: TTXVN phát
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Việt Nam phát biểu thay mặt nhóm liên khu vực trong khuôn khổ thảo luận chung về Đề mục 10 - Hợp tác kỹ thuật tại Khoá họp thường kỳ lần thứ 55 của HĐNQ LHQ, đang diễn ra tại trụ sở LHQ tại Thụy Sĩ từ ngày 26/2 - 5/4. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ của đông đảo các nước, với sự đồng bảo trợ chính thức của 62 nước đến từ các khu vực và trình độ phát triển khác nhau và là một trong những phát biểu chung nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất tại Khóa họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Phát biểu chung nhấn mạnh vai trò, đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong thực hiện các SDGs; ghi nhận dù đã đạt được những tiến triển tích cực, nhưng thế giới vẫn gặp nhiều thách thức trong thúc đẩy bình đẳng giới, chưa hiện thực hóa đầy đủ tầm nhìn về bình đẳng giới trong Chương trình nghị sự 2030 của LHQ về Phát triển bền vững.
Chia sẻ việc Báo cáo năm 2023 của LHQ về thực hiện các SDGs nhấn mạnh tính cấp thiết cần đẩy nhanh tiến độ hướng tới bình đẳng giới vào năm 2030, Đại sứ Việt Nam khẳng định quan điểm chung được nhóm liên khu vực nhấn mạnh, đó là cần đề cao tầm quan trọng của việc thực hiện các SDGs để đạt được bình đẳng giới, cũng như sự cần thiết hiện thực hóa bình đẳng giới nhằm đạt được các SDGs.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam và nhóm liên khu vực đề xuất một số định hướng như ưu tiên đẩy mạnh sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và có ý nghĩa của phụ nữ, trẻ em gái và ghi nhận những đóng góp của họ trong các cơ chế quyết định về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ phụ nữ trong xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm sinh kế bền vững, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, xóa bỏ các rào cản về giới. Một định hướng quan trọng khác là cần bảo đảm sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học, công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số, thực hiện các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, gắn với việc ngăn chặn và đấu tranh chống phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng.
Phát biểu chung của Việt Nam và nhóm liên khu vực cũng nhấn mạnh cần thúc đẩy sự tham gia bình đẳng, đầy đủ, tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong mọi tiến trình hòa bình và an ninh, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; lập ngân sách và tăng cường xây dựng năng lực để đạt được bình đẳng giới trong các thể chế và chính sách ở tất cả các nước, kể cả ở các nước đang phát triển.
Thông qua chia sẻ các mô hình thành công và thúc đẩy sự hợp tác, các nước có thể tăng cường tác động của những nỗ lực nhằm thực hiện các SDGs. Đồng thời, phát biểu chung của Việt Nam và nhóm liên khu vực cũng đề nghị các nước đẩy nhanh tiến độ hướng tới bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Là thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam đã xác định 8 nhóm vấn đề ưu tiên với những sáng kiến cụ thể, được các nước ủng hộ rộng rãi. Trong số những ưu tiên đó, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm quyền con người trong phát triển bền vững thể hiện cam kết và nỗ lực lâu dài của Việt trong những vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm trong nhiều năm qua.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, là một trong những nước hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 3 (MDG 3) về bình đẳng giới và đang nỗ lực thực hiện SDGs, trong đó có các Mục tiêu số 5 và 10 về xóa bỏ bất bình đẳng, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Việt Nam tăng cường chia sẻ, hợp tác với các nước liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới trong quan hệ song phương, cũng như tại các diễn đàn đa phương quan trọng về vấn đề này, với sự quan tâm, tham gia trực tiếp của Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Gần đây, tháng 3/2024, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị Phụ nữ (CSW68) của Hội đồng Kinh tế, Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) và có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc CWS68. Tháng 1 vừa qua, Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hoà bình và an ninh, góp phần thiết thực vào nỗ lực quốc tế thúc đẩy vấn đề này ở khu vực và trên thế giới.
Theo Thời Đại