Gần 200 đại biểu là cán bộ đối ngoại trong hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các giảng viên, sinh viên trường đại học, viện nghiên cứu... đã được cập nhật về tình hình nước Nga hiện nay; hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga trong buổi chia sẻ thông tin do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn cho biết: Buổi chia sẻ thông tin tập trung vào 3 nội dung: tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước Nga hiện nay; hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga; những tiềm năng hợp tác trong tương lai.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn phát biểu tại buổi chia sẻ thông tin. (Ảnh: Đinh Hòa)
Tiếp đó, các đại biểu được nghe Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko chia sẻ thông tin về "Các xu hướng chính trị và ngoại giao của Nga trong giai đoạn hiện nay". Theo Đại sứ, bất chấp các vấn đề phức tạp hiện nay, tính đến cuối năm 2023 GDP của Nga vẫn tăng 3,6%.
Sau lễ nhậm chức ngày 7/5/2024, Tổng thống Vladimir Putin đã xác nhận các mục tiêu phát triển chính của Nga cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Trong đó, những mục tiêu quan trọng nhất là: bảo đảm tỷ lệ sinh, cải thiện sức khỏe, nâng cao phúc lợi, hỗ trợ gia đình; phát huy tiềm năng của mỗi người dân cụ thể, giáo dục những công dân yêu nước và có trách nhiệm xã hội; tạo điều kiện sống thoải mái và an toàn, cải thiện tình hình môi trường; duy trì các chỉ số kinh tế vĩ mô và động lực phát triển kinh tế cao; bảo đảm vị thế dẫn đầu về công nghệ; thực hiện biến đổi số trong quản lý nhà nước và đô thị địa phương, kinh tế và lĩnh vực xã hội.
Đại sứ Gennady Stepanovich Bezdetko thông tin về chính sách đối nội của Nga trong giai đoạn hiện nay và những ưu tiên đối ngoại của nước này. (Ảnh: Đinh Hòa)
Chia sẻ về những ưu tiên đối ngoại của Liên bang Nga, Đại sứ Gennady Stepanovich Bezdetko cho biết: Năm 2023, Tổng thống Nga đã phê duyệt Học thuyết về chính sách đối ngoại mới của Nga. Các nước ASEAN chiếm vị trí quan trọng trong các ưu tiên của Nga tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. "Không phải chỉ trên lời nói, mà trên thực tế chúng tôi nhấn mạnh vai trò trung tâm của "G10" trong cấu trúc an ninh khu vực, tích cực tham gia hoạt động của các diễn đàn dưới sự dẫn dắt của tổ chức này, bao gồm EAS, ARF và ADMM+”, Đại sứ nói.
Ông khẳng định, Việt Nam là đối tác truyền thống, chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga, là Đối tác chiến lược toàn diện. Trong năm 2024, hai nước sẽ kỷ niệm 74 năm thiết lập ngày quan hệ ngoại giao, 30 năm ký kết Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản về quan hệ hữu nghị giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
"Về tổng thể chúng tôi hài lòng với sự phát triển của đối thoại chính trị giữa hai nước. Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, quân sự, kỹ thuật - quân sự và nhân đạo trong điều kiện địa chính trị mới. Chúng tôi nêu bật sự gần gũi trong cách tiếp cận của Moscow và Hà Nội đối với nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế. Chúng tôi đang phối hợp hành động chặt chẽ theo đường hai Bộ Ngoại giao", Đại sứ Gennady Stepanovich Bezdetko cho biết thêm. Cũng tại buổi chia sẻ thông tin, Đại diện Thương mại Liên bang Nga Vyacheslav Nikolaievich Khrinov trình bày về "Kinh tế Nga: Hợp tác thương mại và kinh tế giữa Nga và Việt Nam". Trong đó nêu bật những lĩnh vực hai bên đang hợp tác và có thể mở rộng trong tương lai như: công nghiệp ô tô, dược phẩm, y tế, công nghệ thông tin…
Một đại biểu đặt câu hỏi tại buổi chia sẻ thông tin. (Ảnh: Đinh Hòa)
Trình bày về "Hợp tác giữa Nga và Việt Nam về giáo dục và văn hóa trong không gian nhân văn của Việt Nam", Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (Trung tâm) Vladimir Vladimirovich Murashkin cho biết, hoạt động của Trung tâm được thực hiện trong không gian nhân văn, gồm nhiều lĩnh vực như: chính trị - xã hội, văn hóa, ngôn ngữ, khoa học - giáo dục...
Trung tâm đã tổ chức triển lãm, chiếu phim, lễ hội, các khóa học tiếng Nga, câu lạc bộ; hỗ trợ thông tin và tổ chức rộng rãi các dự án và chương trình của Nga mà Việt Nam quan tâm. Đặc biệt trong năm học 2023-2024, lần đầu tiên Trung tâm tổ chức thành công Tuần lễ tiếng Nga tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam.
Các dự án như “Ngày giới thiệu các trường đại học Nga tại Việt Nam”, “Các trường đại học Nga” được thực hiện nhằm giúp thanh niên Việt Nam có thể định hướng chuyên ngành học tập tại Nga ngay khi còn ở quê nhà.
Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động gặp gỡ với cựu sinh viên; phát triển mạng lưới đối tác giữa các trường đại học Nga và Việt Nam, trong đó một hướng hợp tác quan trọng là tổ chức cho sinh viên Nga thực tập tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, các đại biểu đánh giá buổi chia sẻ đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, qua đó có cái nhìn phong phú hơn về nước Nga hiện đại và quan hệ Việt - Nga trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Đây cũng là những điểm sáng trong quan hệ hai nước trong nhiều năm qua.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn (ngoài cùng bên phải) tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko. (Ảnh: Đinh Hòa)
Câu hỏi của đại biểu tập trung vào các nội dung: cách kinh tế Nga đứng vững giữa "bão" trừng phạt và cấm vận; làm mới các hiệp định hợp tác nghiên cứu khoa học Việt - Nga; đề xuất tăng số lượng học bổng dành cho sinh viên Việt Nam; Nga hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết “net zero” vào năm 2050... được các diễn giả Nga giải đáp đầy đủ, thẳng thắn.
Tại buổi chia sẻ thông tin, Đại sứ Gennady Stepanovich Bezdetko cho biết, theo kết quả cuộc điện đàm diễn ra vào tháng 3/2023 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Putin đã nhận lời mời thăm Việt Nam. Theo Đại sứ, thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm Việt Nam sẽ diễn ra "trong tương lai gần".
Theo tạp chí Thời Đại