Cùng với sự gần gũi về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, văn hoá truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều đặc điểm tương thông, đặc biệt là trong văn hoá nhận thức. Tương thông văn hoá cũng là một trong những nền tảng quan trọng để củng cố và thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu.
Nguồn gốc và đặc điểm
Coi trọng triết lý âm dương là nền tảng chi phối cách người dân Việt Nam và Trung Quốc nhìn nhận về sự tồn tại của vạn vật trong tự nhiên. Học thuyết Âm Dương cho rằng mọi sự vật, hiện tượng tồn tại, phát triển đều có hai phần Âm Dương vận động, đan xen nhau mà tạo thành.
Coi trọng triết lý âm dương là nền tảng chi phối cách người dân Việt Nam và Trung Quốc nhìn nhận về sự tồn tại của vạn vật trong tự nhiên. (Ảnh minh họa)
Nền văn minh của hai nước Việt Nam – Trung Quốc đều gắn với các dòng sông, gắn với sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước. Ở Trung Quốc là văn minh sông Hoàng Hà với biểu tượng cái vạc, còn Việt Nam là văn minh sông Hồng với biểu tượng là trống đồng Đông Sơn. Triết lý âm dương chi phối đến quan niệm xã hội và tính cách con người.
Đối với người Trung Quốc, chữ “hoà” có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Mọi quan điểm quản trị đất nước của Trung Quốc hiện nay liên quan đến văn minh sinh thái, kinh tế nhân văn… đều xuất phát từ triết lý âm dương, và coi trọng sự hài hoà này. Tuy có ảnh hưởng từ biểu tượng âm dương của Đạo giáo Trung Quốc nhưng Việt Nam cũng giữ được biểu tượng âm dương có truyền thống lâu đời hơn là biểu tượng vuông – tròn.
Có vuông có tròn tức là có âm có dương, người Việt nói tới vuông – tròn tức là nói đến sự trọn vẹn. Người Việt Nam có nhiều cách nói thể hiện tư tưởng này, như: trời tròn, đất vuông; mẹ tròn con vuông; ba vuông bảy tròn. Đối với nhận thức về vũ trụ, nuyên lý âm dương cũng ảnh hưởng đến cách mà người dân Trung Quốc và Việt Nam nhìn nhận vũ trụ theo hai hướng khác nhau. Người Trung Quốc gọi âm dương là lưỡng nghi và sản sinh ra mô hình vũ trụ chặt chẽ với số lượng thành tố “chẵn”.
Vì vậy, người Trung Quốc thích các cách nói khát quát với con số chẵn như: Tứ đức (4 đức tính của người phụ nữ - công, dung, ngôn, hạnh), Tứ hải (04 biển – Tứ hải giai huynh đệ), lục nghệ (06 môn học - Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số), bát tiên (08 vị tiên). Một hướng khác là nguyên lý âm dương sản sinh ra mô hình vũ trụ bí ẩn với số lượng thành tố lẻ. Điều này thể hiện rất rõ trong đời sống người dân Việt Nam.
Dân gian Việt Nam rất thích dùng cách nói với các số lẻ như: ba mặt một lời, ba lần bảy lượt, quá tam ba bận, chớ đi ngày bảy chớ về ngày ba.v.v. Đối với nhận thức về con người: Do cuộc sống của con người nông nghiệp gắn bó mật thiết với thiên nhiên nên con người và vũ trụ được xem là một thể thống nhất “thiên địa vạn vật nhất thể (Vũ trụ làm sao thì con người là vậy). Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi quan niệm “Nhân thân tiểu vũ trụ” (con người là một tiểu vũ trụ thu nhỏ) của Trung Quốc.
Ở Việt Nam cũng tồn tại quan niệm về việc con người cũng có quan hệ âm dương: Từ ngực trở lên là phần dương, từ bụng trở xuống là phần âm. Vũ trụ cấu trúc theo ngũ hành, con người cũng có ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận), ngũ giác (thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác).
Tương thông nhưng có tính bản địa hoá sâu sắc
Mặc dù, cả hai nước đều có nhiều đặc điểm tương thông về mặt văn hoá, không chỉ là văn hoá nhận thức mà còn trong cả văn hoá tổ chức cộng đồng, văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có một nền văn hoá phát triển rực rỡ theo một cách riêng và mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Các đặc điểm tương thông về văn hoá tạo nên sự gần gũi, thông suốt trong thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan của người dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc nhưng các đặc điểm khác biệt cũng tạo ra sự hấp dẫn, thu hút của nền văn hoá dân tộc này với dân tộc kia.
Không phủ nhận rằng, sự tương thông đó xuất phát từ lịch sử phát triển, văn hoá Việt Nam đã từng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hoá Trung Hoa. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam đã tiếp thu các giá trị văn hoá Trung Hoa theo những cách thức sáng tạo và độc đáo.
Quá trình tiếp biến đó có thể diễn ra dưới dạng tiếp thu và cải biến các hình thức của văn hoá Trung Hoa để biểu đạt nội dung các giá trị văn hoá Việt Nam. Hoặc ông cha ta tiếp nhận văn hoá Trung Hoa nhưng có sự sắp xếp lại những bậc giá trị khác nhau. Có thể thấy rằng, sự tương thông về văn hoá nhận thức giữa Việt Nam và Trung Quốc là tài sản quý báu của nhân dân hai nước. Đây là cơ sở để tạo ra sự thông hiểu trong cách nhìn nhận về thế giới, cuộc sống và quan điểm về giá trị.
Theo tạp chí Thời Đại