Thời điểm này, vừa có báo điểm thi vào đại học, bài toán đau đầu cho các bạn trẻ (và các bậc cha mẹ) là chọn trường. Nhiều bạn muốn lao vào học ngành nghề triển vọng nhất để chắc một suất cho tương lai bền vững.
Nhưng sự đời biến động, "hot" nhất hôm nay có thể là bình dị ngày mai. Nghề "hot" nhất một thời, các cô nhân viên bưu điện là mơ ước của bao chàng trai. Nay không ít người làm bưu điện phải bán kèm các loại tạp hóa để tăng thu nhập.
Cũng giống như nghề bưu điện, làm truyền hình những năm 90 của thế kỷ XX là mơ ước của bao bạn trẻ. Khi báo in bị văn hóa nghe nhìn lấn lướt, có những sinh viên khoa truyền hình vỗ ngực rằng “phi truyền hình bất thành báo chí”.
Nay mạng xã hội bùng nổ, lan tỏa mọi ngõ ngách, tương tác mọi lúc mọi nơi đã đe dọa vị thế độc tôn của truyền hình. Rồi các câu chuyện mua hàng online làm giảm vai trò của cửa hàng cửa hiệu, giao dịch trên mạng làm giảm nhu cầu phải đến các ngân hàng… Uber và Grab cũng là câu chuyện phi lý về các hãng vận chuyển không có xe.
Sử dụng công nghệ thông tin, họ tận dụng các phương tiện cá nhân có sẵn (ô tô, xe máy) của người dân trong thời gian rảnh để tham gia vận chuyển hành khách. Sau 5 năm kể từ khi Uber và Grab bước chân vào thị trường Việt Nam, đến năm 2018, đã có tới 40 hãng taxi truyền thống biến mất trên thị trường. Tại Xương Bình, Bắc Kinh, Trung Quốc, nhà máy Xiaomi rộng trên 80.000 m2 mà không có một bóng người, sản xuất 10 triệu chiếc smartphone cao cấp hàng năm hoàn toàn tự động. Với những cơ sở như vậy, sinh viên ra trường sẽ tìm việc ở đâu?
Trong thế giới biến đổi chóng mặt này chỉ có một điều không biến đổi đó là liên tục phải chuẩn bị để thích nghi với biến đổi. Không một trường đại học nào đáp ứng được điều đó. Kiến thức là việc tích cóp cả đời. Trường đại học chỉ trang bị cách tư duy. Cho nên vấn đề cốt yếu với các bạn trẻ không phải là chọn trường theo xu thế, theo tâm lý đám đông, mà là chọn ngành gì mình có khả năng nhất, yêu thích nhất.
Càng tránh chọn trường theo ý thích của người khác thì càng tốt, kể cả đó là mong muốn rất chính đáng của các bậc cha mẹ. Trang Biography kể chuyện Harland Sanders sinh năm 1890 tại Indiana, Mỹ. Cha Sanders mất khi ông mới 6 tuổi. Sanders trở thành người giúp mẹ nấu nướng và chăm sóc các em. Ông có vẻ thạo nhất việc nấu nướng. Sau này, ông từng phải làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống như nông dân, nhân viên soát vé xe điện, lính cứu hỏa đường sắt và nhân viên bán bảo hiểm...
Có lúc mất việc, trắng tay ông đã định tự tử. Rồi nghĩ mình có một nghề nấu ăn là giỏi hơn cả, Sanders đã dành những đồng trợ cấp thất nghiệp ít ỏi để làm món gà rán. Ở tuổi không còn được thuê mướn, Sanders lại nổi tiếng với công thức chế biến gà rán, tạo nên chuỗi cửa hàng gà rán ăn nhanh lớn nhất, trải rộng khắp thế giới KFC (Kentucky Fried Chicken).
Với những bạn trẻ không có chỗ dựa, chọn nghề gì phải tự nuôi sống được bản thân. Mơ ước trên mây nhưng bước chân thì phải trên mặt đất. Chuyện xưa kể rằng phương Đông có con thiên lý mã không chấp nhận đi chở hàng, không chịu đi săn, không muốn cho binh sĩ cưỡi, nhất quyết phải chờ gặp người sang mới xứng với tài năng của nó. Đến khi gặp quan khâm sai đại thần, ngài hỏi nó có biết đường đi trong vương quốc không.
Vì chưa đi thồ hàng, chưa đi săn bao giờ nên ngựa nói không biết. Quan hỏi nó có tài gì, ngựa nói có thể chạy nhanh nhất. Nhưng vì không rèn luyện hàng ngày, nó chỉ chạy một lát là kiệt sức. Quan đại thần thấy nó vô dụng nên bỏ đi. Phương Tây cũng có chuyện kể rằng, tầng hầm Tu viện Westminster là nơi chôn cất nhiều nhà quý tộc Anh, trong đó có những người nổi tiếng thế giới như Isaac Newton, Charles Darwin...
Nhưng có một ngôi mộ vô danh được nhiều người chú ý bởi những dòng chữ đề trên bia mộ. Những dòng chữ khiến người ta xúc động, được tạm dịch dưới đây: “Ngày còn trẻ, tôi đã mơ ước thay đổi thế giới. Khi tôi lớn hơn, tôi phát hiện ra rằng thế giới sẽ không thay đổi, vì vậy tôi đã thu hẹp mong muốn của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước mình. Nhưng cũng không thể. Khi có tuổi hơn, tôi giảm mong muốn là làm thay đổi thị trấn quê nhà.
Nhưng quá khó. Những năm tháng cuối đời, tôi đã quyết định chỉ thay đổi gia đình mình, nhưng cũng không làm được điều đó". "Và giờ đây, khi nằm trên giường bệnh, sắp từ biệt thế giới này, tôi nhận ra rằng: Giá như ngày trẻ, tôi chỉ cần thay đổi bản thân mình trước, thì có lẽ tôi đã thay đổi được gia đình mình. Nhờ sự giúp đỡ và động viên của gia đình, biết đâu tôi có thể giúp đỡ được thị trấn. Rồi từ thị trấn, tôi được tín nhiệm để có vị trí có thể cải thiện đất nước mình. Và biết đâu nhờ đó, tôi đã có thể thay đổi được thế giới”.
Dư Hồng Quảng