Việc đánh giá cán bộ là không dễ, thời gian qua còn những bất cập. Đây là lời Trưởng Ban Tổ chức TW Lê Minh Hưng sáng nay tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10. Chuyên san Hồ sơ sự kiện tháng 10 cũng có bài về nhìn nhận con người: Xanh vỏ đỏ lòng Xưa nay người ta thường chỉ tin tưởng vào những gì mình nhìn thấy tận mắt, vì thế người châu Á mới nói “nhãn kiến vi thực”, người châu Âu nói “seeing is believing” (mắt nhìn thấy mới tin là thật). Nhưng ở đời lại không đơn giản như thế.
Vài mẩu chuyện sau đây cho thấy có thứ dù chính mắt nhìn thấy vẫn không phải là sự thật. Khổng Tử người nước Lỗ là bậc thầy đáng kính, học trò cũng nổi tiếng là hiếu thuận. Gặp thời thế loạn lạc, có lần, thầy trò Khổng Tử lâm vào cảnh đói khát. Khi sang nước Tề, có người biếu một ít gạo. Khổng Tử liền sai các học trò khác vào rừng hái rau, còn Nhan Hồi thì ở lại nấu cơm. Đọc sách ở nhà trên, nghe tiếng động, Khổng Tử nhìn xuống bếp, thấy Nhan Hồi đang mở vung, lấy đũa xới cơm đưa cơm lên miệng ăn.
Khổng Tử thở dài, ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi Nhan Hồi, học trò tin yêu nhất của ta mà lại ăn vụng thầy, vụng bạn như thế này ư!” Khi cơm canh nấu xong, các học trò dọn lên, chắp tay mời Khổng Tử ăn. Khổng Tử bảo trước khi ăn, hãy làm một bát cơm cúng cha mẹ. Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch, không thể làm cơm cúng”. Khổng Tử hỏi tại sao, Nhan Hồi thưa: “Khi con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bụi trên mái nhà rơi xuống làm bẩn nồi cơm.
Con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi, nhưng lại nghĩ cơm thì ít, anh em thì đông, nếu bỏ chỗ cơm bẩn đó thì cũng mất một suất ăn. Vì thế con đã mạn phép thầy và các anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và mọi người. Như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi, xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không thể cúng ạ”. Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt ta trông thấy rành rành mà vẫn không phải là sự thật. Suýt nữa thì Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!” Không vội vàng quy kết, càng không được vội vàng hành động là bài học từ những câu chuyện “thấy vậy mà không phải vậy”.
Xưa ở Nhật Bản có một người chồng đi làm xa. Một đêm về nhà, thấy vợ nằm cạnh một người đàn ông. Người chồng vung dao định giết. Chợt nhớ lời dặn làm gì cũng cần bình tĩnh suy xét, anh ta soi đèn thì ra người nằm cạnh vợ chính là mẹ mình. Bà mặc quần áo đàn ông, để ngăn kẻ xấu đêm hôm không dám hãm hại người vợ. Suýt nữa thì hai người đàn bà chết oan. “Xanh vỏ đỏ lòng” là câu dân gian nói nhìn hiện tượng không thấy bản chất.
Có những người anh hùng thiên cổ, sinh thời dẫu bị hiểu lầm, vẫn một dạ trung kiên. Khi thấy Tào Tháo theo đuôi, nịnh bợ Đổng Trác, quan lại trong triều nhà Hán rất mực xem thường. Tào Tháo chấp nhận bị bá quan khinh bỉ, ông quyết tâm tiếp cận Đổng Trác, rồi một ngày vung đao định đoạt mạng tên quốc tặc. Dù việc không thành nhưng từ ấy, mọi người nhìn họ Tào với con mắt khác. Cách đây hơn một thế kỷ, quê tôi có ông Nguyễn Chí Bình làm cai đội lính khố xanh của Pháp nên gọi là Đội Bình. Dân làng đều nghĩ ông theo giặc phản bội Tổ quốc.
Chỉ đến khi Đội Bình chỉ huy đầu độc Tây ở thành Hà Nội, bị giặc bắt, xử chém, mọi người mới biết ông là nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám. Tưởng nhớ người anh hùng Đội Bình, quê tôi được vinh dự mang tên xã Đội Bình, nay thuộc huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội. Trên lăng mộ ông còn tạc đôi câu đối: “Đội Bình sống giữa đục mà không hề vẩn đục/ Nghĩa sĩ thác quang vinh muôn thủa vẫn còn vinh”. Hai từ nhìn - thấy thường đi cùng nhau nhưng thực tế nhiều khi nhìn mà chẳng thấy. Trang GoodRead dẫn lời nhà thơ nổi tiếng người Scotland George MacDonald thế kỷ XIX: “Seeing is not believing, it is only seeing”, tạm dịch: nhìn thấy không phải là tin tưởng, nhìn thấy chỉ là nhìn thấy mà thôi. Thường ta thấy trái cây chín thì đỏ.
Nhưng cũng có loài đỏ mà chưa chín, có thứ chín mà không đỏ. Đây là tính đa dạng của tự nhiên, mà cũng không hiếm gặp trong xã hội. Nhiều lỗ hổng trong công tác nhân sự, thi đua khen thưởng thời gian qua là do chưa có cơ chế xem xét thấu đáo, thấy đỏ tưởng là chín. Theo Luật Thi đua khen thưởng mới nhất, từ năm 2024 này, các bộ, ngành, địa phương phải thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông ít nhất 10 ngày để lấy ý kiến nhân dân đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.
Đó không chỉ vì việc khen thưởng công bằng, minh bạch, mà quan trọng hơn là thực hiện quyền giám sát của toàn dân, của công luận - một trong những tiêu chí không thể thiếu của xã hội văn minh./.
Trên sông Nghi Hà, tỉnh Sơn Đông, địa phận nước Lỗ xưa của Khổng Tử
DHQ