Chính phủ sẽ cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 15 bộ, cơ quan ngang bộ. Trong đó, sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu.
Thông tin với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối) gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Duy trì 7 bộ, cơ quan ngang bộ
Theo đó, Chính phủ duy trì 4 bộ: Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 3 cơ quan ngang bộ: Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
“Các bộ, cơ quan này vẫn thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong. Việc đề xuất duy trì các bộ, cơ quan ngang bộ nêu trên là cần thiết, bảo đảm tính ổn định, kế thừa và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay,” Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Chính phủ sẽ cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 15 bộ, cơ quan ngang bộ. Trong đó, sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Hạ tầng và Đô thị. Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường. Việc sáp nhập 2 bộ này sẽ khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học.
Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin.
Sáp nhập Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
Bộ Y tế tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi Ban này kết thúc hoạt động); đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Bộ Ngoại giao tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khi hai đơn vị này kết thúc hoạt động.
Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện việc sắp xếp đầu mối tổ chức bên trong theo quyết định của Bộ Chính trị. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển về Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý, nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ này.
Về phía Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng đề án sáp nhập Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ (sau khi chuyển một số chức năng sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế); phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.
Ủy ban Dân tộc tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ từ Bộ Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tinh gọn tổ chức bên trong
Chính phủ cũng đưa ra phương án sắp xếp đối với các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác, trong đó có việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; sắp xếp 2 Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, 2 Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...
Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, trên cơ sở thực hiện phương án nêu trên, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn còn: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ); 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan).
Về tổ chức bộ máy bên trong, tính sơ bộ dự kiến sẽ giảm: 10/13 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; 52 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; 75 cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; 61 vụ và tương đương thuộc tổng cục; 264 cục và tương đương thuộc tổng cục, giảm khoảng 15-20% đơn vị sự nghiệp công lập.
“Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ thì về cơ bản khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay”, Bộ trưởng Nội vụ thông tin.
Nếu thực hiện theo phương án này, tổ chức bộ máy của Chính phủ và tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị), không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án sáp nhập các bộ.
Để hạn chế tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần có chính sách đủ mạnh, nổi trội đối với các đối tượng chịu tác động của quá trình sắp xếp, nhằm giảm áp lực về tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Nhằm tránh tình trạng sáp nhập cơ học, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Chính phủ
Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, Chính phủ đưa ra phương án kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và một số đảng bộ trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước (riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Chính phủ.
Đảng ủy Chính phủ, gồm: ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy. Ban thường vụ đảng ủy gồm Thủ tướng Chính phủ làm Bí thư, các Phó Thủ tướng Chính phủ, một số thành viên Chính phủ và có thể bố trí 1 Phó Bí thư chuyên trách; Bộ Chính trị chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy; quy định ban thường vụ đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng Chính phủ hiện nay.
Cùng đó, kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng bộ Chính phủ gồm: Ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy; ban thường vụ đảng ủy gồm Bộ trưởng làm Bí thư, các Thứ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và 1 Phó Bí thư chuyên trách; cấp có thẩm quyền chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy, quy định ban thường vụ đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hiện nay.
Bộ trưởng Nội vụ cũng nêu quan điểm tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả” theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị trong quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Quán triệt tinh thần lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
“Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và của Bộ Chính trị. Kế thừa thành tựu, tiếp tục đổi mới Chính phủ đồng bộ với đổi mới Quốc hội, cơ quan tư pháp trên quan điểm xây dựng Chính phủ dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, sáng tạo, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả,” Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, việc sắp xếp bộ máy của Chính phủ nhằm phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật.
Nguyên tắc đặt ra là tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; đồng thời sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối (cơ bản kết thúc mô hình tổng cục trong các bộ, cơ quan ngang bộ). Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và đáp ứng điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nguồn TTXVN