"Chương trình "Dấu ấn Việt Nam" sẽ đáp ứng nhu cầu của bà con kiều bào để hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam, bản sắc, trí tuệ Việt Nam, đồng thời kết nối thương hiệu Việt ra thế giới", Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ.
Ngày 16/5, tại Hà Nội, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp Ban Truyền hình Đối ngoại (Đài Truyền hình Việt Nam) họp báo ra mắt chương trình “Dấu ấn Việt Nam”.
Tỏa sáng giá trị Việt
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho biết, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cùng một số đơn vị thực hiện chương trình Dấu ấn Việt Nam nhằm hưởng ứng Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030.
Với thời lượng 7 phút/số, chương trình “Dấu ấn Việt Nam” sẽ đề cập tới những nhân vật lịch sử hay gương mặt người Việt xuất sắc đã mang lại niềm tự hào cho Việt Nam ở trong nước và quốc tế; những thành tựu khoa học hay sản phẩm gắn liền với thương hiệu Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục, công nghệ, khoa học….
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại sự kiện.
“Chương trình Dấu ấn Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu của bà con kiều bào để hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam, bản sắc, trí tuệ Việt Nam, đồng thời kết nối thương hiệu Việt ra thế giới”, Đại sứ chia sẻ.
Theo PGS Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam, qua chương trình Dấu ấn Việt Nam, cộng đồng người Việt tại nước ngoài có thể tiếp cận được tiếng Việt một cách tự nhiên. “Khi ngôn ngữ gắn với văn hoá thì dễ dàng tiếp cận hơn.
Chính vì thế, Dấu ấn Việt Nam mang lại điều mới mẻ cho bà con kiều bào để qua đó kiều bào có thể học thêm về cách nói tiếng Việt, cấu trúc tiếng Việt, cách nói thành ngữ, ca dao tiếng Việt Nam...”, PGS Nguyễn Lân Trung chia sẻ. Được biết, Chương trình “Dấu ấn Việt Nam” sẽ phát sóng trên kênh truyền hình VTV4 và các nền tảng số.
Chương trình đầu tiên với chủ đề “Bác Hồ với sự trong sáng của tiếng Việt” được phát vào ngày 19/5/2023, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong năm 2023, chương trình Dấu ấn Việt Nam dự kiến gồm 12 đề tài.
Xây đắp cầu nối hữu nghị
Theo ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chương trình “Dấu ấn Việt Nam” sẽ khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, khích lệ lòng tự tôn dân tộc, tôn vinh trí tuệ Việt, bản lĩnh của người Việt qua các thời đại; góp phần quảng bá giá trị Việt trong cộng đồng quốc tế, nâng cao năng lực ngôn ngữ Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Mai Phan Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, phát biểu tại sự kiện.
Ông Mai Phan Dũng cho biết, thông qua cách thể hiện mới do VTV4 xây dựng, Uỷ ban tin tưởng rằng nội dung các chủ đề của Dấu ấn Việt Nam sẽ đạt được hiệu quả cao trong việc thu hút sự quan tâm không chỉ của khán giả người Việt trong và ngoài nước mà của cả khán giả nước ngoài, những người yêu mến tiếng Việt và văn hoá Việt.
“Chúc Dấu ấn Việt Nam thực sự đi vào đời sống và trở thành dấu ấn tích cực trong đời sống văn hoá của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thêm gắn bó với quê hương, đất nước, để văn hoá và ngôn ngữ dân tộc trở thành niềm tự hào, hành trang quan trọng trong hội nhập đời sống văn hoá ở sở tại đồng hành cùng sự ổn định phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây đắp cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Hoàng Xuân Bình, kiều bào Ba Lan mong muốn chương trình Dấu ấn Việt Nam sẽ có dấu ấn vềẩm thực. Bởi theo ông, ngoài truyền bá văn hoá, ẩm thực còn là con đường mưu sinh của cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như đem tinh hoa văn hoá Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, ông Bình cũng đề xuất, ngoài quảng bá các dấu ấn Việt Nam, trong các số tiếp theo, BTC cũng cần các chương trình quảng bá các mô hình thành công ở các nước để các nước khác học hỏi theo.
Trong năm 2023, chương trình dự kiến gồm 12 đề tài, gồm: Bác Hồ với sự trong sáng của tiếng Việt tháng 5; Hình tượng Sen trong văn hóa Phật giáo Việt; Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh nhân đạo/hòa bình quốc tế; Việt Võ Đạo: Dấu ấn võ Việt lan tỏa trên thế giới; Thầy thuốc trẻ với phương pháp chữa bệnh kết hợp Đông Tây y; Dấu ấn của PGS.BS Phan Toàn Thắng trong công nghệ tế bào gốc; Hành trình của hạt gạo Việt Nam; Sâm Việt Nam: Báu vật của đất trời; Những bức ảnh ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới; UNESCO với văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam; Những ngôi chùa Việt trên thế giới; Phật hoàng Trần Nhân Tông - một biểu tượng văn hóa Việt Nam.
Theo tạp chí Thời Đại