Bên bờ sông Danube hiền hòa, thành phố Bratislava trở thành Thủ đô của Cộng hòa Slovakia sau khi nước này tách khỏi Liên bang Tiệp Khắc. Không hoành tráng như Praha, không diễm lệ như Vienna, nhưng Bratislava có nét đẹp riêng khiến bạn không quên sau một lần đến.
Tác giả bài viết bên bức tượng "trên miệng cống" tại khu phố cổ Bratislava
1. Bức tượng bên miệng cống
Nằm ở nơi giao nhau của khu vực Trung Âu sôi động, nhưng những tuyến phố đi bộ của Bratislava vẫn giữ được nét điềm đạm, thanh bình. Qua cây cầu mới UFO (Cầu đĩa bay) là khu phố cổ với những công trình kiến trúc độc đáo. Dẫn chúng tôi dạo phố là chị Lương Thanh Vân, học cùng lớp chuyên toán với GS. Ngô Bảo Châu tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ). Chị Vân không phải là hướng dẫn viên du lịch, nhưng sau nhiều năm sinh cơ lập nghiệp tại thủ đô Bratislava, chị hiểu cặn kẽ thành phố này và rất háo hức kể cho đồng bào trong nước khi đến đây tham quan, học tập.
Cũng giống như nhiều thành phố châu Âu, khu phố cổ Bratislava được dựng nhiều bức tượng kể về lịch sử văn hóa. Nhưng tôi ấn tượng nhất với bức tượng một công nhân vệ sinh vừa chui lên từ miệng cống ngầm. Bức tượng đồng mô tả phút nghỉ ngơi của một người làm nghề cực nhọc nhưng nụ cười thì rất tươi. Tên của bức tượng cũng rất mộc mạc và ý nghĩa: “Nơi con người làm việc”. Đó là cách Slovakia trân trọng những con người bình dị đang từng phút, từng giờ làm sạch đẹp đô thị. Dựng tượng người vệ sinh cống ngầm là một cử chỉ nhân văn. Bạn bè quốc tế đến đây rất nhiều người thích chụp ảnh bên bức tượng đồng. Tôi còn được khoác vai chụp ảnh với hai công nhân đang quét rác trên phố cổ.
Qua cổng pháo đài Michalska Brana xây dựng từ thế kỷ XIII, chị Vân dẫn chúng tôi đến khu phố Thợ Rèn. Hà Nội của chúng ta cũng có những con phố mang tên Lò Rèn, Thợ Nhuộm…Tôi chợt nghĩ, pháo đài, thành quách vững chãi nhiều thế kỷ vì có nền móng cắm sâu trong lòng đất. Văn minh mà loài người có được hôm nay là nhờ những gì hiện đại, tân tiến đều có gốc rễ bền chặt trong truyền thống ngàn xưa. Trân trọng lao động quá khứ là bản tính tốt đẹp của loài người. Người Việt hay bất cứ sắc tộc nào, nếu yêu lao động, chịu khó làm ăn lương thiện, chắc chắn có cuộc sống tốt đẹp ở Slovakia. Chị Vân bảo bạn bè của chị ở đây đều nói vậy.
2. Bản sắc Việt trong hành trình lập nghiệp
Trong cộng đồng người Việt lập nghiệp ở thủ đô Bratislava, anh Nam Vinh, chủ chuỗi nhà hàng Hanoi Garden Vietnamska Restauracia là một người khá thành đạt. Thấy có đông thực khách nước ngoài ghé nhà hàng của anh, tôi tò mò muốn biết bí quyết. Đúng như chị Vân đã nói ở trên, anh Vinh cho rằng lập nghiệp xứ người, trước hết phải bền bỉ kiên trì, chịu thương chịu khó. Đó là lý do anh Vinh đưa những người đồng hương xứ Nghệ sang làm việc với mình. Họ là những người ở miền quê “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, không ngại khó, không sợ khổ.
Về chiến lược, cần nhất sự độc đáo. Các nhà hàng Trung Quốc rất có sức cạnh tranh. Vinh muốn cho người bản địa và du khách quốc tế biết rằng ẩm thực châu Á còn một sự lựa chọn tuyệt vời là các món ăn Việt Nam. Không chỉ ăn bằng miệng, du khách đến với Hanoi Garden còn được thưởng thức bằng đủ các giác quan để cảm nhận hương vị Việt độc đáo, khó quên.
Về tên gọi, Hà Nội, Việt Nam trong chuỗi nhà hàng Hanoi Garden Vietnamska Restauracia là những từ không khó đọc, lại dễ nhớ với người nước ngoài. Khi giới thiệu tên mình với bạn bè, Nam Vinh luôn giải thích anh sinh ra ở thành Vinh, nước Việt Nam với một niềm tự hào về quê hương nguồn cội. Cách thủ đô Bratislava chừng 100km là thành phố Topolcany. Tôi thật vui được gặp lại “chiến sỹ Trường Sa” Nguyễn Xuân Trường. Năm 2018 khi cùng đoàn kiều bào tiêu biểu từ 24 nước về thăm quần đảo tiền tiêu của Tổ Quốc, chúng tôi đã nói vui với nhau rằng “tu trăm năm mới chung tàu”. Lần này đến tận nhà riêng của anh ở Topolcany, phải nói là cơ duyên thật sự.
Nằm ngay tại quảng trường nhà thờ lớn, trung tâm thành phố Topolcany, nhà anh Trường hiện nay là địa chỉ giao lưu đầm ấm của cộng đồng người Việt cũng như người dân bản xứ. Cứ chiều thứ Sáu hàng tuần, trước nhà anh luôn có dàn nhạc của thành phố biểu diễn, mọi người khiêu vũ và ca hát đến khuya.
Trong câu chuyện với đoàn đại biểu thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) sang thăm Slovakia, anh Trường kể về những ngày chân ướt chân ráo sang nước bạn. Không có tiền, không biết tiếng, anh có được cơ nghiệp hôm nay là nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền và người dân địa phương. Đất nước dựng tượng đồng vinh danh người móc cống này chính là nơi luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay với những người yêu lao động.
Từ thành công của mình, anh Trường đã đưa trên 50 người từ quê nhà sang Slovakia học tập, lao động và sinh sống. Anh luôn căn dặn họ phải làm việc hết mình, tuân thủ pháp luật và sống cho tử tế. Đó là con đường duy nhất để lập nghiệp, lập thân, vừa giúp quê nhà vừa dựng xây nước bạn. Anh Trường tin rằng, đó chính là yêu nước./.
Dư Hồng Quảng - Bài đăng báo Đại biểu Nhân dân, ngày 10/7/2019