GIỚI THIỆU
CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH VIÊN
TIN TỨC - SỰ KIỆN
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online:
698
Số lượt truy cập:
348682
Giá trị đặc sắc của "ngoại giao cây tre Việt Nam"
Cập nhật lúc: 2:50 PM, ngày 04/07/2023

“Ngoại giao cây tre Việt Nam” là khái niệm được nhắc đến nhiều trong 2 năm trở lại đây mỗi khi đề cập chính sách đối ngoại của Việt Nam. Khái niệm này không phải là một trường phái ngoại giao mới mà là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng ta đã thực hiện trong nhiều thập kỷ qua, đóng góp quan trọng vào những thành tựu mà đất nước đã và đang đạt được.

 

Để tìm hiểu sâu hơn về giá trị đặc sắc của “ngoại giao cây tre Việt Nam”, Việt Nga, phóng viên Đài TNVN thường trú tại Australia đã phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải, giảng viên trường Đại học Công nghệ Queensland, Australia.

 

 

Khai mạc Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tháng 12/2021

 

PV: “Ngoại giao cây tre Việt Nam” là khái niệm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập vào năm 2016 và một lần nữa nhắc lại tại Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc vào năm 2021. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc Việt Nam và là yếu tố khiến ngành ngoại giao có những đóng tóp to lớn vào quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong những năm qua. Soi rọi vào thực tế, theo ông điều gì khiến “ngoại giao cây tre Việt Nam” tạo ra những thành tựu lớn lao như vậy trong ngành ngoại giao Việt Nam?

 

TS Nguyễn Hồng Hải: Như chúng ta biết, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu nhắc đến “trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Tiếp đó, đến Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào tháng 12 năm 2021, đồng chí Tổng Bí thư nhắc lại nhưng có bổ sung thêm rằng “trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận xuất sắc và cẩn trọng trong sử dụng khái niệm. Vì thế, đọc và hiểu ý tứ và hàm ý của đồng chí Tổng Bí thư khi nói về “trường phái ngoại giao” này của Việt Nam, đặc biệt là cụm từ “cây tre Việt Nam”, đặt trong bối cảnh của “Thời đại Hồ Chí Minh”, soi vào thực tiễn từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 và nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi cho rằng bảy yếu tố sau làm nên thành công của “trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam”.

 

Thứ nhất là truyền thống và văn hóa của người Việt Nam, đó là nhân nghĩa, khoan dung, hòa hiếu, mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, cương nhu, biết mình, biết người, biết thời, biết thế để trên hết là “Đất nước an toàn là thượng sách, Cốt sao cho dân được an ninh”.

 

Thứ hai là khí phách quật cường của dân tộc Việt Nam từ khi “Nam quốc sơn hà nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” và cho đến tận bây giờ, chúng ta luôn phải đấu tranh chống ngoại xâm và không bao giờ chịu khuất phục trước cường quyền, “một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”.

 

Thứ ba là Tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam hiện đại, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của ngành ngoại giao Việt Nam. Tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh chính là sự kết tinh giữa truyền thống và văn hóa của dân tộc, tinh hoa của nhân loại, và thực tiễn hoạt động phong phú của Người. Điều quan trọng và cốt lõi nhất trong Tư tưởng của Hồ Chí Minh và được Người thể hiện bằng việc làm của mình trong suốt toàn bộ cuộc đời “vì nước, vì dân” của mình chính là “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm” và “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Với Hồ Chí Minh, “Dân”, “Tổ quốc”, và “Dân tộc” là một. Vì thế, Hồ Chí Minh đặt “Tổ quốc trên hết, Dân tộc trên hết”. Với Tư tưởng đó, nên trong hoạt động đối ngoại, Hồ Chí Minh luôn đặt và yêu cầu “lợi ích dân tộc” là trên hết, “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”. Và để “làm” được như Hồ Chí Minh dạy, cần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Mặc dù đề cao “lợi ích dân tộc” là trên hết, nhưng Hồ Chí Minh không cực đoan theo đuổi chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, mà Người cho rằng cách mạng Việt Nam gắn liền với cách mạng thế giới, “tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau. Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hòa bình thế giới”.

 

Thứ tư là thành quả phát triển và vị thế quốc tế thực tế của Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi Mới cho đến nay, trong đó có đóng góp rất lớn của công tác đối ngoại. Công cuộc Đổi Mới của Việt Nam đã đưa công tác đối ngoại của đất nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hình tượng hóa là một bên cánh của con chim, không thể thiếu cho sự phát triển của Việt Nam. Chính sách hội nhập và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam gắn sự nghiệp phát triển của đất nước với sự phát triển và biến động của khu vực và trên thế giới. Con thuyền phát triển của Việt Nam phụ thuộc vào “sóng yên biển lặng” của thế giới, vào bản lĩnh vững vàng, sự kiên định về mục tiêu và hướng đi của người cầm lái con thuyền.

 

Thứ năm là truyền thống đoàn kết của người Việt Nam, tạo nên sức mạnh của dân tộc trong chống ngoại xâm, xây dựng và phát triển đất nước. Truyền thống này bắt nguồn từ đặc điểm và vị trí của đất nước, tạo thành cốt cách của con người Việt Nam. Truyền thống đoàn kết này của người Việt Nam được phát huy ở trong nước và được mở rộng trong quan hệ quốc tế. Đoàn kết để tạo thành sức mạnh tập thể, muôn người như một, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời góp phần vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới là kiến tạo và bảo vệ hòa bình vì sự phát triển và tiến bộ của nhân loại. Người Việt Nam có câu: “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Câu này cũng ứng vào sức mạnh và đặc tính của cây tre, đó là mọc theo bụi, theo khóm tạo thành lũy, “thương nhau tre không ở riêng, lũy thành từ đó mà nên hỡi người”.

 

Thứ sáu là truyền thống kế thừa, “tre già măng mọc”, lớp đi trước đào tạo và dìu dắt lớp người đi sau để đảm bảo sự tiếp nối và nhất quán., “chẳng may thân gãy cành rơi, vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng”.

 

Thứ bảy là sự ổn định về chính trị ở trong nước. Sự ổn định này cũng giống như cái gốc và cái rễ của cây tre, “gốc có vững thì thân mới bền”. Nếu cái gốc, chính trị không ổn định, thì cái thân cây tre, công tác đối ngoại không thể phát huy hiệu quả.

 

PV: Trong bối cảnh trong khu vực và trên thế giới đang chứng kiến cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, “Ngoại giao cây tre Việt Nam” đã và đang được sử dụng như thế nào để có thể bảo vệ tối đa lợi ích đất nước trong lúc vẫn làm bạn với tất cả các quốc gia?

 

TS Nguyễn Hồng Hải: Để bảo vệ và đem lại lợi ích quốc gia-dân tộc tốt nhất trong thời gian qua, “ngoại giao cây tre Việt Nam” kiên định về nguyên tắc và mục tiêu, song đã uyển chuyển, chủ động và linh hoạt về phương pháp thực hiện. Mục tiêu của chúng ta là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, thực hiện đúng như lời dạy của Bác Hồ, đó là “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”. Nguyên tắc của chúng ta là “hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích chính đáng của nhau, giải quyết bất đồng trên tinh thần hữu nghị, tuân thủ triệt để Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Chúng ta cũng phản đối mọi hình vi bắt nạt, chính trị cường quyền, bao vây, cấm vận đơn phương; phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chúng ta coi nguyên tắc và mục tiêu này như cái gốc của cây tre, nhất quán, kiên trì và không dao động, không thay đổi. Đó cũng là cái lý để chúng ta khẳng định chúng ta “ngay thẳng” trong quan hệ quốc tế, và cũng là để bảo vệ chính mình. Ví dụ trong vấn đề Biển Đông, chúng ta đề cao các thỏa thuận và quy tắc đã đạt được giữa các bên liên quan, đặc biệt là việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước về Luật Biển của LHQ 1982 (UNCLOS 1982); phản đối mọi hành vi đơn phương xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta, vi phạm UNCLOS 1982, đồng thời hoan ngênh tất cả các bên có đóng góp vào duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Trong xung đột giữa Nga và Ukraina hiện nay, chúng ta đề cao việc tuân thủ Hiến Chương LHQ, và kêu gọi các bên quay trở lại đàm phán. Lãnh đạo Việt Nam đã nói rõ rằng Việt Nam “không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải”. Tôi cho rằng, thông điệp của Việt Nam trong xung đột Nga-Ukraina là rõ ràng.

 

Trong quá trình thực hiện để đạt mục tiêu, “ngoại giao cây tre Việt Nam” linh hoạt, chủ động và uyển chuyển. Chúng ta kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, nhưng chúng ta không cực đoan để xảy ra xung đột. Mục tiêu cao nhất là của chúng ta là bảo vệ và giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng tránh đối đầu và xung đột vũ trang nếu đó không phải là giải pháp cuối cùng buộc phải làm, đảm bảo môi trường hòa bình và ổn định để phát triển.

 

Trong quan hệ quốc tế luôn có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đó là điều không thể tránh khỏi và cũng là quy luật sinh tồn. Có thể nói không quá rằng vị trí địa chiến lược của Việt Nam đã tự nó tạo cho Việt Nam luôn là một phần trong câu chuyện về quan hệ quốc tế, hẹp thì ở phạm vi khu vực Đông Nam Á, rộng hơn thì là châu Á-Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong những câu chuyện này, Việt Nam luôn bị kẹt giữa sự cạnh tranh và xung đột giữa các nước lớn. “Ngoại giao cây tre Việt Nam” thời gian qua đã hóa giải ‘thế kẹt’ này bằng sự uyển chuyển, khéo léo và mềm dẻo trong quan hệ với từng nước, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và tiếng nói của tập thể để tạo thành sức mạnh chung. Hơn nữa, chúng ta còn tạo ra được mạng lưới lợi ích đan xen, lồng ghép giữa lợi ích quốc gia với lợi ích tổ chức khu vực và quốc tế, nhờ đó giúp chúng ta bảo vệ được lợi ích quốc gia.

 

Tựu chung lại, “ngoại giao cây tre Việt Nam’ đã làm tốt được nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc là vì chúng ta đã thực hiện nhất quán “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” trên tinh thần chủ động và tích cực.

 

 

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, chuyên gia nghiên cứu trường Đại học Công nghệ Queensland, Australia

 

PV: Trong chính sách ngoại giao với Australia, “Ngoại giao cây tre Việt Nam” đã được vận dụng như thế nào, thưa ông?

 

TS Nguyễn Hồng Hải: Trong quan hệ với Australia, “ngoại giao cây tre Việt Nam” đã được triển khai trên tinh thần quan hệ có tính chất đặc biệt giữa hai nước theo nhiều góc độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 50 năm. Theo đó, cả hai bên tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, tôn trọng nhau, hiểu mối quan tâm của nhau; giải quyết và xử lý các vấn đề trong quan hệ song phương thông đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, cầu thị, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau. Hơn nữa, Việt Nam xem Australia là một người hàng xóm, một nước láng giềng trong cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nên Việt Nam coi trọng tiếng nói và đề cao sự đóng góp của Australia trong các vấn đề khu vực. Australia đã là một quốc gia bậc trung, còn Việt Nam là một quốc gia đang trở thành một quốc gia bậc trung, nên cả hai nước có tính bổ trợ cho nhau.

 

“Ngoại giao cây tre Việt Nam” trong quan hệ với Australia không mang hàm ý “thực dụng” như nhiều người lâu nay vẫn diễn giải về “trường phái ngoại giao” này, mà trên tinh thần “bạn bè thân thiết” được gắn kết bởi văn hóa và người dân hai nước. Việt Nam coi Australia là một đối tác song hành cùng phát triển, chứ không phải là một đối tác vì lợi ích.

 

PV: Ngoại giao cây tre không phải là một khái niệm mới trong quan hệ quốc tế, vậy theo ông điều gì đã làm nên màu sắc riêng và cách thức riêng của “Ngoại giao cây tre Việt Nam”?

 

TS Nguyễn Hồng Hải: Lâu nay, khi nhắc đến “ngoại giao cây tre”, người ta nghĩ ngay đến trường phái ngoại giao của Thái Lan vốn dựa trên khái niệm “ngoại giao linh hoạt” do cựu Ngoại trưởng Thái Lan Thanat Khoman đưa ra năm 1968. Và, cũng đúng là cây tre được trồng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó ở châu Á thì có Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Như vậy, những nước này cũng có thể dùng khái niệm “ngoại giao cây tre” nếu họ thích. Thế nhưng, nếu nhân cách hóa và gắn cây tre với đặc trưng và đặc tính của con người nơi nó được trồng thì hiển nhiên là chúng sẽ khác nhau. Và, nếu chúng ta để ý, như tôi đã đề cập, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất cẩn trọng và chính xác khi ông dùng khái niệm “cây tre Việt Nam”, để phân biệt với cây tre khác với tư cách là một khái niệm chung và phổ biến, cho “trường phái ngoại giao” Việt Nam.

 

Phân tích và hiểu theo nghĩa đó thì rõ ràng “ngoại giao cây tre Việt Nam” mang bản sắc riêng và phong cách riêng. Có ý kiến so sánh rằng “ngoại giao cây tre” của Thái Lan khác với “ngoại giao cây tre Việt Nam” ở chỗ “ngoại giao cây tre” của Thái Lan là “lựa theo chiều gió” trong khi “ngoại giao cây tre Việt Nam” là ngoại giao cân bằng lợi ích địa chính trị khác biệt trong môi trường quốc tế phân cực.

 

Tôi cho rằng “ngoại giao cây tre” nào cũng vậy, điều đầu tiên và trên hết là phải vì lợi ích quốc gia-dân tộc, nhưng phương pháp và cách thức thực hiện thì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố và bản sắc của ngoại giao thì nó sẽ mang đậm truyền thống và văn hóa của quốc gia đó. Bản sắc riêng của “ngoại giao cây tre Việt Nam” theo tôi hiểu và xin rút gọn lại bằng bốn từ là: “Nhân, Trí, Dũng, Ái”. Nhân là nhân nghĩa, có tình có nghĩa, thủy chung với bạn bè; Trí là mưu lược, dùng mưu chứ không dùng võ. Hồ Chí Minh nói “dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu. Thứ hai đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh”; “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; Dũng là dũng khí, bất khuất, không chịu trước cường quyền; và Ái là bắc ái, bao dung và hòa đồng.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo Thời đại


Các tin khác:

Báo cáo Nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Việt Nam cam kết thúc đẩy hoàn thành Các mục tiêu phát triển bền vững

Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Gần 70 đại biểu kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024

Ngày 7/5, Tòa phúc thẩm Paris sẽ xét xử vụ kiện chất độc da cam của bà Trần Tố Nga

Đem hương vị nem cuốn Việt đến với bạn bè quốc tế ở châu Phi

Hiệp định Geneve là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam

Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines hợp tác thực thi pháp luật trên biển

Đại sứ Yamada Takio: Dù ở cương vị nào cũng sẽ nỗ lực, ủng hộ cho phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản

Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả tại Tuần lễ văn hóa các nước nói tiếng Tây Ban Nha

TÌM KIẾM

VĂN BẢN MỚI
Quyết định 2418/QĐ-BTNMT năm 2010 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 - 2015

LỊCH
   

LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TỈNH PHÚ THỌ

 

 

 

Địa chỉ: Số 2187, đường Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ)

 

Điện thoại: 02103 851.555

 

Email: lhhnphutho@gmail.com