Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, nhất là công tác thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.
Một phiên họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Ngày 10/7, Chính phủ có Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Chương trình).
Mục đích của Chương trình nhằm xác định các nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, Chương trình nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện Kết luận số 50-KL/TW, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch thực hiện chủ trương của Đảng.
Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, nhất là công tác thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình là các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các chủ trương, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Về tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý công chức, viên chức, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản để thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo hướng tinh gọn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục và tổ chức tương đương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, bảo đảm yêu cầu về tiến độ theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 17/2/2023 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực gắn với nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính, cơ quan khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ.
Các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các địa phương hoàn thiện danh mục vị trí việc làm cùng với khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm của hệ thống chính trị làm cơ sở xác định biên chế của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn, gắn với đánh giá thực chất, xếp loại chính xác công chức, viên chức.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương và việc bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho cải cách chính sách tiền lương giai đoạn sau năm 2023; trong đó có nội dung rà soát, sắp xếp chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý; xây dựng, ban hành bảng lương chức vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Danh mục Chức danh, Chức vụ Lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, ban hành kèm theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị./.
Theo tạp chí Thời Đại