Theo Tiến sỹ Balazs Szanto (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan), Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN, kể cả khi Việt Nam nắm cương vị chủ tịch ASEAN vào thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). (Ảnh: TTXVN phát)
Kể từ khi gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 28/7/1995, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ ASEAN, có những đóng góp đáng kể nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh hơn và đáng tin cậy. Đây là đánh giá của Tiến sỹ Balazs Szanto, giảng viên Khoa Khoa học Chính trị thuộc Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, về những đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN sau 28 năm gia nhập tổ chức.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Bangkok, Tiến sỹ Szanto nhấn mạnh một cộng đồng mạnh hơn sẽ rất cần thiết cho hoạt động của ASEAN trong tương lai. Để Cộng đồng ASEAN trở nên đáng tin cậy, các quốc gia thành viên nổi bật hơn cần thể hiện cam kết với lý tưởng của mình. Việc Việt Nam sẵn sàng tham gia tích cực vào ASEAN cho thấy đây không chỉ là một nhóm tồn tại mang tính hình thức mà là một tổ chức có vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng đối với khu vực và hơn thế nữa.
Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào nỗ lực này, đặc biệt là Việt Nam đã cố gắng xây dựng sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên và tập trung vào việc đảm bảo rằng sự phát triển của Cộng đồng ASEAN sẽ không bị chệch hướng khi các nước theo đuổi những cơ hội và lợi ích khác nhau. Đánh giá về các sáng kiến và đề xuất của Việt Nam trong việc đối phó với những thách thức bên ngoài cũng như những vấn đề của ASEAN, Tiến sỹ Szanto nêu rõ cho đến nay, Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN, kể cả khi Việt Nam nắm cương vị chủ tịch ASEAN vào thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19. Đó cũng là thời điểm khó khăn để tổ chức các cuộc đàm phán liên quan đến các vấn đề nội khối.
Trong thời kỳ đại dịch, các nước thành viên đã có cách tiếp cận đúng đắn khi kiên định cách tiếp cận chung để khắc phục đại dịch. Theo ông, Việt Nam nên tiếp tục thúc đẩy cách tiếp cận rằng các quốc gia thành viên ASEAN cần phải đoàn kết với nhau hơn là việc mỗi nước tự tìm cơ hội và vận may cho riêng mình.
Về phương châm của Việt Nam là “tích cực, chủ động và trách nhiệm” trong các hoạt động của ASEAN, Tiến sỹ Szanto lưu ý rằng việc thúc đẩy một cách tiếp cận chủ động hơn sẽ có ý nghĩa rất quan trọng giúp ASEAN sẵn sàng ứng phó trong bối cảnh chính trị quốc tế đang trải qua thời kỳ có nhiều biến động. Đó là một sự thay đổi cần thiết và là một xu hướng cần được thúc đẩy trong hiệp hội.
Về vấn đề phục hồi kinh tế và tăng trưởng trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, học giả Szanto cho rằng một trong những định hướng chính cho các nước ASEAN là giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và khách du lịch ngoài khu vực. Thay vào đó, ASEAN cần ưu tiên dẫn dắt một thị trường nội khối mạnh mẽ hơn và quan trọng hơn là ASEAN cần một nền tảng tiêu dùng mạnh mẽ hơn ngay trong khối, lấy đó làm động lực phát triển kinh tế.
Việt Nam đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc cải cách nền kinh tế của chính mình cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh trong khu vực. Tiến sỹ Szanto cho biết điều đó phù hợp với các giá trị truyền thống của Việt Nam, tức là tập trung nhiều hơn vào nền tảng vững chắc của người lao động và người tiêu dùng nội địa, thay vì quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài./.
Theo VUFO