Ngày 27/7, 185.700 liều vaccine 5 trong 1 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF tặng Việt Nam đã về đến Hà Nội. Sau khi được kiểm định, số vaccine này sẽ được phân bổ cho các địa phương để phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã chủ động trao đổi với các Tổ chức quốc tế WHO, UNICEF để tìm nguồn vaccine 5 trong 1 nhằm triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi để phòng các bệnh truyền nhiễm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não do Hib. Đại diện Bộ Y tế cho biết, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai nhiều năm nay ở nước ta đã góp phần khống chế và loại trừ, ngăn không cho bệnh truyền nhiễm quay trở lại.
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã sản xuất được 9 loại, còn 2 loại phải nhập khẩu, trong đó có loại vaccine DTP-VGB-Hib giúp bảo vệ cùng lúc 5 loại bệnh trong một mũi tiêm vô cùng thuận lợi.
Lô vaccine 5 trong 1 gồm 187.000 liều về Hà Nội ngày 27/7. (Ảnh: UNICEF)
Số vaccine vừa tiếp nhận đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, cấp phép nhập khẩu, kiểm định đảm bảo chất lượng, an toàn. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã có hướng dẫn về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, sử dụng… và tổ chức tập huấn cho các địa phương.
Dự kiến, ngày 28/7, vaccine sẽ được vận chuyển đến những tỉnh, thành khó khăn, miền núi thuộc khu vực miền Bắc, là các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với tiêm chủng dịch vụ để tiến hành tiêm cho trẻ từ đầu tháng 8/2023.
Do đại dịch COVID - 19, các dịch vụ tiêm chủng thường xuyên tại Việt Nam đã bị gián đoạn dẫn đến khoảng 114.000 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà trong năm 2022 – đây là loại vaccine được sử dụng làm chỉ số đánh giá tỷ lệ bao phủ tiêm chủng toàn cầu.
Ngoài ra, do tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1 gần đây, ước tính khoảng 300.000 trẻ em Việt Nam được sinh ra vào đầu năm 2023 vẫn chưa được tiêm chủng loại vaccine thiết yếu này.
Theo tạp chí Thời Đại