Thế hệ trẻ kiều bào cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các liệt sĩ để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho đất nước.
Đoàn Trại hè Việt Nam 2023 thắp hương trước đài tưởng niệm của Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Thực hiện truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, sáng 28/07, đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2023 tới dâng hương, tưởng niệm hơn 10.000 liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Lê Nguyễn Tùng Chi, 19 tuổi, người Việt tại Malaysia
Lê Nguyễn Tùng Chi, người Việt tại Malaysia tâm sự, ông nội em là giáo viên dạy học tại trường cấp 3 Vĩnh Linh từ năm 1964 đến 1966. Trước kia, ông hay kể cho con cháu nghe về những hi sinh mất mát một thời ở miền đất lửa Quảng Trị: "Khi tôi được tận mắt nhìn thấy các ngôi mộ liệt sỹ ở nghĩa trang Trường Sơn, tôi thấy được sự khốc liệt của chiến tranh. Tôi cảm nhận rõ chiến tranh là đau thương mất mát. Nhưng cha ông ta đã sẵn sàng cống hiến, thậm chí cả máu xương, tính mạng của mình để đem lại hòa bình cho đất nước, cho thế hệ sau. Là một người Việt trẻ, tôi rất biết ơn sự hy sinh đó.
Tôi nghĩ rằng xây dựng đất nước phải đi đôi với bảo vệ đất nước". Những ngôi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang được xếp thành khu vực theo tỉnh, thành phố trải trên năm quả đồi. Đến khu vực tỉnh Hải Dương, cô gái người Việt tại Cộng hoà Séc Nguyễn Ngọc Ánh đã dừng lại hồi lâu, vì đây là quê gốc của em.
Tới cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - sông Bến Hải, nơi đánh dấu sự chia cắt đất nước trong kháng chiến chống Mỹ từ 1954 đến 1975, trước cột cờ bên cầu Hiền Lương, tất cả 120 đại biểu thanh niên kiều bào, tay đặt lên ngực trái, cùng hoà giọng hát quốc ca trong niềm tự hào dân tộc trào dâng.
Kiều bào trẻ hát quốc ca mang theo thông điệp về hoà bình.
Vilaythong Việt Anh, 17 tuổi, có bố là người Lào, mẹ người Việt, bộc bạch: "Em cảm thấy rất tự hào khi được về Tổ quốc và hát quốc ca. Bà nội, bà ngoại và mẹ em đều sống trong thời kỳ chiến tranh.
Đến bây giờ, em về Việt Nam mới biết câu chuyện chiến tranh khi xưa là như thế nào. Bây giờ em mới biết thời xưa phải chỉ có gia đình em khổ mà tất cả các gia đình khác đề khổ. Em rất tự hào vì đã được hát quốc ca ở đây".
Các bạn trẻ kiều bào nghe kể chuyện về cây cầu Hiền Lương, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt tại Quảng Trị.
Đến thăm các “địa chỉ đỏ” về lòng yêu nước, các bạn trẻ kiều bào hiểu rõ hơn bao giờ hết tầm quan trọng của hoà bình, niềm tin, ý chí và sức mạnh thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam.
Theo tạp chí Quê Hương