GIỚI THIỆU
CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH VIÊN
TIN TỨC - SỰ KIỆN
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online:
1217
Số lượt truy cập:
755634
Việt Nam tham gia tích cực, chủ động và hiệu quả vào công việc chung của Liên Hợp Quốc
Cập nhật lúc: 9:25 AM, ngày 19/09/2023

Tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và các hoạt động liên quan khác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam đến quốc tế về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thành viên có trách nhiệm, tham gia tích cực hơn, chủ động và hiệu quả hơn vào công việc chung của Liên Hợp Quốc trong xử lý các thách thức toàn cầu.

 

 

Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thành viên có trách nhiệm, tham gia tích cực hơn, chủ động và hiệu quả hơn vào công việc chung của Liên Hợp Quốc trong xử lý các thách thức toàn cầu

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ và thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Lula da Silva từ ngày 17-26/9.

 

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ) đã dành cho Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi về kết quả nổi bật trong quan hệ Việt Nam – Liên Hợp Quốc và sự tích cực, chủ động của Việt Nam trong tham gia các hoạt động và thực hiện các mục tiêu chung của Liên Hợp Quốc (LHQ) thời gian qua; sự tin tưởng và kỳ vọng của Đại sứ về triển vọng hợp tác giữa 2 bên sau trong thời gian tới.

 

Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hoạt động ở cả 3 trụ cột chính của Liên Hợp Quốc

 

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định: "Hợp tác với LHQ luôn giữ một vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nói chung và trong đối ngoại đa phương nói riêng. Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của LHQ năm 1977, hợp tác Việt Nam - LHQ đã không ngừng phát triển và mang lại nhiều ý nghĩa và kết quả thiết thực cho cả hai bên. LHQ là người bạn thuỷ chung gắn bó, đối tác quan trọng hỗ trợ Việt Nam suốt chặng đường tái thiết sau chiến tranh và trong công cuộc đổi mới". "Việt Nam được LHQ coi là điển hình của một nước đang phát triển đổi mới thành công, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế, luôn lấy con người là mục tiêu và động lực của phát triển", Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết.

 

Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, LHQ là diễn đàn quốc tế quan trọng hàng đầu để chúng ta tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Trong công cuộc đổi mới, các chương trình, dự án của LHQ đã góp phần giúp Việt Nam phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Những đóng góp quý báu về tri thức, tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật của hệ thống LHQ đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

 

Vào thời điểm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn về vaccine và thiết bị y tế của LHQ, trực tiếp thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình COVAX, góp phần kiểm soát hiệu quả, thích ứng an toàn, tiến tới đẩy lùi đại dịch COVID-19. Về phía mình, Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng vào thực hiện các sứ mệnh của LHQ trong suốt 46 năm qua và ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động ở cả 3 trụ cột chính của LHQ là hoà bình-an ninh, hợp tác phát triển và quyền con người.

 

Trao đổi cụ thể về việc tham gia của Việt Nam vào 3 trụ cột này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết, trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực, trách nhiệm và thực chất vào công việc của LHQ, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối các hành động áp bức, xâm lược, chính trị cường quyền, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế.

 

Trong hai lần đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, đặc biệt là nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã đề cao cách tiếp cận đa phương và tinh thần nhân văn, hướng tới người dân trong giải quyết các cuộc xung đột, đề xuất nhiều giải pháp toàn diện cho các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và ASEAN về duy trì hoà bình, an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

 

Từ năm 2014 đến nay, đã có hơn 700 lượt sĩ quan quân đội và công an Việt Nam đi làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hoà bình LHQ tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Abyei và tại Trụ sở LHQ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở những vùng đất xa xôi, không quản khó khăn, gian khổ, thực sự trở thành "những sứ giả của hoà bình, hữu nghị" ở mỗi địa bàn đóng chân.

 

Trong lĩnh vực phát triển, Việt Nam luôn ủng hộ xây dựng một trật tự kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế công bằng, bình đẳng, bao trùm và dựa trên luật lệ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển. Việt Nam là điển hình thành công trong hoàn thành các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

 

Việt Nam còn được LHQ đánh giá cao thông qua mô hình hợp tác Nam-Nam hiệu quả, việc triển khai sáng kiến "Thống nhất hành động" về cải tổ hệ thống phát triển LHQ và đặc biệt là cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu, phấn đấu đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

 

Trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội và các quyền cơ bản của người dân, nhất là trước tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19. Tại các diễn đàn LHQ, chúng ta đã tích cực đóng góp tiếng nói cân bằng, đề cao đối thoại và hợp tác giữa các nước thành viên để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt, không chính trị hoá các vấn đề nhân quyền. Sau thành công của nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2014-2016, Việt Nam đã trúng cử nhiệm kỳ 2023-2025 nhằm tiếp tục khẳng định và đẩy mạnh chủ trương nói trên.

 

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

 

Truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam đến quốc tế

 

Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 78, phát biểu trước toàn thể Đại hội đồng và một số hội nghị đa phương cấp cao quan trọng cùng nhiều hoạt động, trao đổi, tiếp xúc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

 

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết: "Qua tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 và các hoạt động liên quan khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam đến quốc tế về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thành viên có trách nhiệm, tham gia tích cực hơn, chủ động và hiệu quả hơn vào công việc chung của LHQ trong xử lý các thách thức toàn cầu".

 

Sự tham gia của Đoàn Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tại các sự kiện lớn của LHQ trong năm nay cũng thể hiện ở cấp cao nhất cam kết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển bền vững.

 

Thông qua các hoạt động này, chúng ta tiếp tục góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII về đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, với mục tiêu cao nhất là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo các điều kiện thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

 

Đồng thời, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò thành viên có trách nhiệm, chủ động tham gia, đóng góp cụ thể và thực chất vào công việc chung, các ưu tiên lớn của LHQ và cộng đồng quốc tế; chia sẻ những bài học, ý tưởng và giải pháp của Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác, đoàn kết quốc tế và tăng cường chủ nghĩa đa phương để ứng phó hiệu quả trước các thách thức toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên ngày càng gay gắt.

 

 

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ (New York, Hoa Kỳ)

 

Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ nêu 2 ý nghĩa cụ thể.

 

Thứ nhất, khẳng định triết lý và quan điểm xuyên suốt của Việt Nam luôn lấy con người là trung tâm, là động lực của mọi quyết sách và đây cũng chính là nguyên tắc định hướng mà LHQ luôn phấn đấu theo đuổi. Đây là tiền đề để Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cũng đang đóng góp cho công việc và mục tiêu chung của LHQ theo hướng này.

 

Thứ hai, trong bối cảnh suy giảm niềm tin giữa các quốc gia và hợp tác đa phương gặp nhiều thách thức, trở ngại, Việt Nam kêu gọi củng cố lòng tin và tăng cường đoàn kết, trách nhiệm quốc tế. Về phần mình, Việt Nam đang tham gia và tái khẳng định tích cực triển khai các cam kết quốc tế, sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm của quốc gia thành viên trên tất cả các lĩnh vực.

 

Việt Nam đang tiếp tục chủ động và mở rộng quy mô tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, góp phần ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình ở các điểm nóng ở châu Phi; tích cực chuyển đổi năng lượng, nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng 0.


Mở ra nhiều triển vọng hợp tác

 

Đại sứ Đặng Hoàng Giang đánh giá, tháng 9 là thời điểm rất đặc biệt, vừa đánh dấu 46 năm Việt Nam trở thành thành viên của LHQ (20/9), vừa là dịp diễn ra Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng LHQ với nhiều hoạt động ngoại giao đa phương sôi động và quan trọng ở cấp độ toàn cầu.

 

Trong chuyến thăm này, ngoài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ và một số hội nghị đa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ, tiếp xúc với các quan chức cấp cao của LHQ, trong đó có Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, nhằm rà soát và tiếp tục triển khai các nội dung đã thống nhất sau chuyến thăm chính thức của Tổng thư ký LHQ tới Việt Nam năm 2022 nhân dịp hai bên kỷ niệm 45 năm quan hệ.

 

Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến, giải pháp vừa gắn với ưu tiên của đất nước vừa gắn với quan tâm chung của LHQ và cộng đồng đồng quốc tế như thúc đẩy Nghị quyết của LHQ về ý kiến tư vấn của ICJ về nghĩa vụ của các nước đối với biến đổi khí hậu.

 

"Tôi hết sức lạc quan về triển vọng hợp tác giữa hai bên, nhất là khả năng Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào công việc và sứ mệnh chung của LHQ", Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh. Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ cũng khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các cam kết quốc tế, sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm của quốc gia thành viên trên tất cả các lĩnh vực.

 

Việt Nam đang tiếp tục chủ động và mở rộng quy mô tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ góp phần ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình ở các điểm nóng ở châu Phi; tích cực chuyển đổi năng lượng, nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

 

Việt Nam cũng sẽ hoàn thành tốt trọng trách tại các cơ chế, tổ chức LHQ mà chúng ta đang là thành viên như Hội đồng Nhân quyền LHQ, Ủy ban Luật pháp quốc tế, Hội đồng Chấp hành UNESCO…, hướng tới ứng cử vào nhiều vị trí quan trọng của LHQ từ nay đến năm 2040, qua đó nâng tầm đối ngoại đa phương và củng cố vị thế quốc tế của Việt Nam.

 

Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào các tiến trình lớn của LHQ nhằm xây dựng tầm nhìn, chiến lược dài hạn, đề xuất các giải pháp ứng phó với những thách thức toàn cầu như ngăn ngừa và chấm dứt chiến tranh, xung đột, thúc đẩy phát triển bền vững, cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu. Một trong những tiến trình quan trọng hiện nay là các tham vấn chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai sẽ diễn ra vào năm 2024.

 

Cuối cùng, chúng ta sẽ đẩy mạnh, tận dụng hơn nữa sự hợp tác, hỗ trợ của LHQ và các đối tác quốc tế nhằm xử lý các thách thức ảnh hưởng nhiều mặt đến lợi ích an ninh, phát triển của ta như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và dịch bệnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, góp phần phục vụ sự nghiệp chung phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

 

Dấu ấn và sự hiện diện của Việt Nam ngày càng rõ nét hơn qua 2 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Bảo an LHQ trong hai nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021; Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025, Hội đồng Kinh tế xã hội của LHQ (ECOSOC) 2016-2018, tham gia vào những cơ chế điều hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), 2 lần đảm nhiệm vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế LHQ và mới đây nhất là Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển, cải tổ hệ thống LHQ ở Việt Nam.

 

Theo Báo Chính phủ


Các tin khác:

Cụm thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Liên hiệp: Hoạt động thiết thực, hiệu quả vì sự phát triển bền vững

Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam tôn vinh áo dài Việt

Nhiều mục tiêu và cách làm mới của Hội Hữu nghị Việt Nam - Armenia

Gặp gỡ hữu nghị Việt Nam - Venezuela nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Chú trọng phát triển quan hệ của thế hệ trẻ Việt Nam - Ấn Độ

Chương trình Xuân Quê hương 2025 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 21/1/2025

Cảnh sát biển Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển

Thành lập Liên hiệp các tổ chức người Việt Nam tại Nga

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Trung Quốc, Lào

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Tuyên Quang: dấu ấn đối ngoại nhân dân nhiệm kỳ 2019-2024

TÌM KIẾM

VĂN BẢN MỚI
Quyết định 2418/QĐ-BTNMT năm 2010 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 - 2015

LỊCH
   

LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TỈNH PHÚ THỌ

 

 

 

Địa chỉ: Số 2187, đường Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ)

 

Điện thoại: 02103 851.555

 

Email: lhhnphutho@gmail.com