Trong những năm qua, cùng với xu thế đổi mới của cả nước, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ đã đạt được những thành tựu đáng kể trên mọi lĩnh vực: quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, cơ sở hạ tầng được cải thiện, các lĩnh vực văn hóa của đời sống xã hội từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, Phú Thọ vẫn còn là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đến với tỉnh Phú Thọ ngày càng nhiều và trở nên sâu rộng, nó thể hiện không chỉ ở số lượng các TCPCPNN, mà còn được thể hiện ở mức viện trợ ngày càng tăng. Tính đến thời điểm 31/12/2018, tỉnh Phú Thọ có 39 TCPCPNN, tổ chức quốc tế có giấy phép hoạt động, trong đó: 37 tổ chức PCPNN và 02 cơ quan đại diện nước ngoài, được triển khai ở 13/13 huyện, thành, thị; các chương trình/dự án chủ yếu là viện trợ 100%, không có vốn đối ứng hoặc có nhưng vốn đối ứng không nhiều.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ chụp ảnh cùng tổ chức GPI
Đoàn công tác tổ chức GPI đi khảo sát xây dựng nhà tình thương trên địa bàn
tỉnh Phú Thọ
Đoàn KCCC trao học bổng cho các em học sinh nghèo, khuyết tật tại
Trường THCS Thanh Đình
Mỗi năm Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Phú Thọ phối hợp với Sở ngoại vụ cùng các sở, ban ngành liên quan đã tranh thủ vận động được từ 2,5 đến 3 triệu USD gồm: tiền, hàng viện trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cơ sở y tế, trường học, đường giao thông nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường… Hoạt động của các TCPCPNN trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, song cũng là đối tượng đặc biệt nhạy cảm trong quan hệ đối ngoại, bởi hoạt động của họ liên quan nhiều đến an ninh, chính trị, kinh tế và công tác an ninh đối ngoại.
Trong những năm qua, việc huy động và sử dụng nguồn vốn PCPNN đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh và xóa đói giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ.
Những đóng góp của nguồn vốn này đối với sự phát triển của tỉnh bao gồm:
Thứ nhất, nguồn vốn PCPNN đã bổ sung một nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển xã hội góp phần cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để phát triển KTXH và hỗ trợ phát triển.
Thứ hai, nguồn vốn PCPNN hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng KTXH, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo công ăn việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương, nhất là các xã nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Thứ ba, vốn PCPNN đã góp phần chuyển giao kỹ thuật hiện đại, phương pháp làm việc, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương; một số dự án tham gia hỗ trợ phát triển thể chế, chính sách.
Thứ tư, vốn PCPNN đã góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh (bom mìn, chất độc da cam...), các vấn đề kinh tế - xã hội (dịch bệnh, bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình...), các vấn đề toàn cầu (biến đổi khí hậu, HIV/AIDS...) tăng cường bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Thứ năm, vốn PCPNN đã góp phần giúp tỉnh Phú Thọ thực hiện có hiệu quả hơn các chính sách đối ngoại. Thông qua quá trình hợp tác triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh, cộng đồng quốc tế từ thực tiễn đã hiểu hơn về chính sách, từ đó ủng hộ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút đầu tư...
Huyền Trang