Một số công trình lịch sử, di sản văn hóa đã trở thành dấu mốc mang tính biểu tượng về tình cảm hữu nghị, đặt nền móng cho sự gắn kết giữa các nước, các thành phố trên thế giới.
Châu Âu thu nhỏ
Mini-Europe (châu Âu thu nhỏ) là một công viên thu nhỏ nằm ở Bruparck, Brussels (Bỉ). Mini-Europe có bản sao các tượng đài trong châu Âu. Ý tưởng xuất phát từ một số nhà sử học và các nghệ nhân mong muốn tái hiện một châu Âu với những công trình kiến trúc nổi tiếng.
Mini-Europe ở Brussels (Bỉ)
Mini-Europe minh chứng cho một châu Âu đoàn kết. Ở đây, bạn có thể cảm nhận như đi qua từng nước. Đó là Paris (Pháp) với những hình công trình đã quen thuộc như Tháp Eiffel, Cổng chào chiến thắng (Arc de Triomphe) trên đại lộ Charle De Gaulle, Nhà thờ Sacre-Coeur trên đồi Montmartre và Lâu đài Chenonceaux ở giữa dòng Cher. Sát bên Pháp là Vương quốc Anh với tháp Big Ben và Cung điện Westminster. Bước sang Ý là hình ảnh tháp nghiêng Pisa và cả thành phố Venice. Rồi nước Đức với bức tường Berlin, di tích chứng kiến bao thăng trầm…
Trụ đá Three-Country Cairn
Công trình Three-Country Cairn xây dựng năm 1926 tượng trưng cho sự chung sống hòa bình giữa 3 nước láng giềng Bắc Âu Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan. Three-Country Cairn gần Goldajavri ở Storjord đánh dấu điểm gặp nhau của 3 nước ở vĩ độ 69° Bắc và 490m so với mực nước biển.
Công trình Three-Country Cairn
Tượng đài Người đàn ông hai mũ Ottawa
Tượng đài Người đàn ông hai mũ ở thủ đô Ottawa (Canada) là bản sao của bức tượng ở thành phố Apeldoorn của Hà Lan. Tượng cao 4,6 mét được Công chúa Hoàng gia Hà Lan Margriet khánh thành tại Ottawa vào tháng 5/2002. Hai bức tượng song sinh thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa Hà Lan và Canada. Tình bạn gắn bó giữa hai nước đã phát triển trong Chiến tranh thế giới thứ hai khi binh lính Canada đóng một vai trò quan trọng trong giải phóng Hà Lan. Dù cách nhau một đại dương nhưng hai nước sẽ mãi mãi là bạn bè thân thiết.
Tượng đài Người đàn ông hai mũ thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa Hà Lan và Canada
Pháo đài ngôi sao Goryokaku
Thành phố Halifax (Canada) và Hakodate (Nhật Bản) kết nghĩa năm 1982, khai sinh ra quan hệ không biên giới mới. Hakodate đã xây dựng pháo đài hình ngôi sao Goryokaku giống với thành cổ Halifax. Kể từ những năm 90, Halifax đã gửi cây thông Noel đến Hakodate mỗi năm. Hai thành phố đã tích cực thúc đẩy các chương trình như thăm viếng lẫn nhau của các phái đoàn hành chính, doanh nghiệp và dân sự, chương trình học ngôn ngữ cho học sinh trung học, trao đổi đại học và thư viện.
Pháo đài hình ngôi sao Goryokaku ở Hakodate (Nhật Bản)
Cột biểu tượng hữu nghị San Francisco
San Francisco có 18 thành phố kết nghĩa trên khắp thế giới. Chương trình Thành phố kết nghĩa bắt đầu năm 1956 nhằm thúc đẩy kết nối hòa bình giữa các thành phố trên toàn cầu. Osaka (Nhật Bản) đã trở thành thành phố kết nghĩa đầu tiên năm 1957. Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) kết nghĩa năm 1995.
Cột biểu tượng hữu nghị San Francisco
Tại quảng trường Hallidie Plaza, thành phố San Francisco cho ra mắt cột biển báo biểu tượng cho các thành phố kết nghĩa từ tháng 6/2018. Trên mỗi biển chỉ phương hướng là một thành phố kết nghĩa, như Thành phố Hồ Chí Minh, Osaka, Sydney, Barcelona, Paris… và con số thể hiện khoảng cách đến thành phố đó.
Biểu tượng hữu nghị Rockford
Thường Châu (Trung Quốc) là thành phố kết nghĩa thứ hai của Rockford, Illinois (Mỹ) năm 1999, 4 năm sau một trận bóng đá dẫn đến quan hệ thành phố kết nghĩa với Brovary (Ukraine). Kể từ đó, Rockford đã có thêm 5 anh chị em quốc tế nữa: Borgholm (Thụy Điển), Cluj-Napoca (Romania), Ferentino (Ý), Tomok (Kyrgyzstan) và Taszar (Hungary). Thành phố Rockford đã lập cột biển báo dọc theo Phố North Second nêu tên các thành phố kết nghĩa.
Biểu tượng hữu nghị Rockford
Theo tạp chí Thời Đại