Vì sao có những người hát phô, hát dở lại thu hút hàng triệu view trên mạng xã hội, hơn cả những ca sĩ thực thụ? Vì sao họ bỗng nổi như cồn hôm qua, rồi hôm nay tiếng cười tắt ngấm? Vì sao tiếng cười trong thơ Hồ Xuân Hương, thơ Bút Tre còn mãi với thời gian? Câu trả lời có lẽ nằm ở mấy từ “lệch chuẩn” và “loạn chuẩn”.
Nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-2022) và 200 năm năm mất (1822-2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, UNESCO đã trao nghị quyết vinh danh cho bà, nhà thơ nữ Việt Nam độc đáo nhất trong nền thi ca thế giới. Đến nay thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng. Sự độc đáo của thơ Hồ Xuân Hương ở chỗ cách tân, phá cách cả về ngữ và nghĩa. Người giỏi về niêm luật mới có thể làm khác, làm lệch với chuẩn thông thường. Sự lệch chuẩn đó là sáng tạo ngôn ngữ chứ không đi ngược lại chuẩn mực chung của ngôn ngữ dân tộc. Sự sáng tạo như thế chỉ có được ở những nhà thơ, nhà văn lớn. Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói thông tục của đời thực đối lập với thứ thơ phú kinh viện, mũ cao áo dài.
Tiếp nối Hồ Xuân Hương, chúng ta có thêm một tiếng thơ lệch chuẩn gây cười của Bút Tre. Ông tên thật là Đặng Văn Đăng, một trí thức học rộng, biết nhiều, thông thạo tiếng Pháp. Trong cuốn “Từ điển văn hóa Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, năm 1993), trang 49 có ghi: Bút Tre đỗ tú tài Tây, viết văn, viết báo thời Pháp, sau này làm Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani. Bút Tre là người duy nhất ở Phú Thọ có tên trong cuốn từ điển trên, bên cạnh tên tuổi các chí sỹ, văn nhân của thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh, Bùi Xuân Phái, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng...
Người Việt Nam kể cả không học cao cũng có thể làm thơ lục bát đúng vần điệu. Vậy một người học vấn như Bút Tre, tại sao lại làm những vần thơ ngang phè như “Đường đời mê mải tham quan/ để cho tiếng hát cung đàn hơi chơi vơi”? Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn bảo: “Chính nhà văn Nguyễn Tuân là người lý giải vấn đề này. Ông Nguyễn Tuân có nói với chúng tôi rằng ông Bút Tre học hành như thế, không phải ngẫu nhiên ông ấy làm những câu thơ như thế, mà ông ta có ý đồ hết. Bút Tre làm những câu thơ gây cười có sức cảm hóa rộng rãi đối với dân chúng”. Thơ Bút Tre đem lại cái cười bất ngờ ở cấu trúc ngôn từ và vần điệu ngộ nghĩnh.
Thơ bông đùa của quần chúng không phải của Bút Tre, nhưng mô phỏng lối thơ Bút Tre, sau này người đời cứ gán cho Bút Tre, ví như: “Chị em Phú Thọ tài thay, bắn máy bay địch rơi ngay cửa nhà mình”. Không chỉ ở Phú Thọ quê ông, dòng thơ Bút Tre sinh sôi khắp nơi thành Bút Tre trẻ, Bút Tre xanh, cả Bút Tre tây nữa. Điều đó đúng như lời Bút Tre đã dự cảm: “Bao nhiêu bút sắt mòn rồi, hôm nay còn lại với đời Bút Tre”.
Mấy trăm năm sau, công chúng vẫn thú vị khi đọc thơ Hồ Xuân Hương. Hôm nay, chúng ta vẫn cười sảng khoái khi nghe ai đó đọc những vần thơ Bút Tre. Nhưng những người tự xưng là “ca sĩ” trên mạng, tự lập hẳn kênh Youtube và Fanpage riêng để quảng bá giọng ca thảm hoạ của họ, lại nhanh chóng bị công chúng quay lưng.
Đó là vì phá cách không phải là phá phách. Lệch chuẩn không phải là loạn chuẩn. Lệch chuẩn là để sáng tạo cái mới, loạn chuẩn tạo ra cái dị biệt. Sự sáng tạo còn mãi với thời gian. Cái dị biệt nhanh chóng chìm vào quên lãng. Lẽ thường, phải biết hát một chút, ít nhất là không sai nhạc, người ta mới dám lên sân khấu. Nay lên mạng, hát cho nghìn người xem mà như không hát cho ai.
Thế giới ảo làm họ tự tin hơn. Tự tin để hát sai, tự tin để hò hét. Tò mò là bản tính của con người. Thấy có người hát như hét khiến người ta tò mò. Một bộ phận giới trẻ thấy lạ tai, quái đản thì cổ xúy. Rồi chia sẻ, lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt khiến có người hát dở lại tưởng mình hát hay, sau một đêm bỗng hóa ngôi sao. Thẫm mỹ dễ dãi của công chúng bị dẫn dắt bởi mạng xã hội, đi quá đà khiến nhiều sự lạ lùng, quái dị lên ngôi. Hát hay trước hết phải đúng nhạc.
Hiện tượng hát càng sai, càng dở lại càng “hot” không còn là lệch chuẩn nữa, mà là loạn chuẩn. Loạn chuẩn trong thể hiện của những người tự xưng là “ca sĩ” và loạn chuẩn trong thị hiếu của đám đông. Đám đông quay ngược sang tìm kiếm sự thích thú từ những giá trị văn hóa vốn không thật. Điều này là bước tụt lùi về văn hóa, nhưng cũng là phản ứng với những thứ nhạt nhẽo, sáo mòn trong làng giải trí. Nó cho thấy một khoảng trống trong nhu cầu của công chúng hiện đại.
DHQ (Nguồn: chuyên san Hồ sơ sự kiện, ra ngày 25/7/2023)