Chiều 22/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”.
Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì tổ chức nhằm tạo chuyển biến thực chất và triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.
Đây là sự kiện đầu tiên có quy mô toàn quốc, lớn nhất về Halal với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố cùng 600 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến, trong đó có hơn 50 đoàn khách quốc tế đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, trung tâm chứng nhận và các doanh nghiệp Halal uy tín trên thế giới, đại diện ngoại giao của các tổ chức quốc tế, các quốc gia và thị trường Halal tiêu biểu.
Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”
Tại Hội nghị, các đại biểu trong nước và quốc tế đánh giá cao các tiềm năng, thế mạnh và chiến lược của Việt Nam trong việc tích cực tham gia vào thị trường Halal toàn cầu. Các đại biểu nhận định, để thâm nhập, tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm biện pháp chính gồm hỗ trợ kết nối địa phương, doanh nghiệp với các đối tác, thị trường Halal toàn cầu trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược và mỹ phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý nhà nước về Halal, tối ưu hóa quy trình chứng nhận, thúc đẩy thừa nhận, công nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia, cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ tiềm năng lợi thế của Việt Nam trong phát triển ngành halal tại Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình hợp tác và phát triển vì vậy, việc phát triển sản phẩm công nghiệp halal, hệ sinh thái halal rất thuận lợi bởi Việt Nam có một nền tảng vững chắc cả về kinh tế, văn hóa, chính trị, có đầy đủ các yếu tố để phát triển ngành công nghiệp halal nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng khẳng định, hợp tác ngành halal là một trong những trụ cột mới trong hợp tác kinh tế quốc tế; đẩy mạnh phát triển ngành halal, công nghiệp ngành halal, hệ sinh thái ngành halal hiện đại, toàn diện, bền vững và hiệu quả; hợp tác trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng văn hóa của các dân tộc.
Thủ tướng đã nêu 3 thông điệp trong đó nhấn mạnh: "Chúng tôi nhấn mạnh ba thông điệp: Một là, Việt Nam rất quan tâm và mong muốn được hợp tác về ngành halal, đây một nội hàm trong hợp tác phát triển, ngành halal là một ngành kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới trong phát triển quan hệ với các nước, nhất là các nước cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.
Thứ hai là chúng tôi coi trọng việc phát triển ngành halal, xác định đây là một định hướng mới trong hoạt động sản xuất, và coi ngành halal cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường hợp tác với các đối tác tham gia hiệu quả vào thị trường ngành halal và chuỗi giá trị ngành halal toàn cầu.
Ba là, Việt Nam chủ trương phát triển ngành halal trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa con người, thể hiện sự đóng góp tích cực có trách nhiệm của Việt Nam, cùng xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác, đa dạng hài hòa và cùng nhau phát triển, cùng chung sống hòa bình, cùng có ấm no hạnh phúc, cùng có tự do và độc lập".
Để Việt Nam phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Halal trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị cần thực hiện 5 thúc đẩy.
"Thứ nhất là hợp tác chia sẻ thông tin kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quản lý nhà nước liên quan đến ngành halal, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn halal quốc tế, quốc gia, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành halal quy mô lớn và phục vụ xuất khẩu, sản phẩm dịch vụ halal của Việt Nam.
Thứ hai là đàm phán ký kết các thỏa thuận, Hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác, các thỏa thuận công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận halal, qua đó giúp các doanh nghiệp của Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng thực phẩm halal toàn cầu,
Thứ ba là kêu gọi các đối tác ở khu vực, quốc tế đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến Halal nhất là về nông nghiệp, du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, dược phẩm, mỹ phẩm, các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến halal, và công nghệ dây chuyền sản xuất, hậu cần...
Thứ tư là đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm dịch vụ thương mại, xây dựng thương hiệu của halal Việt Nam và mở cửa thị trường cho các sản phẩm halal xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm là đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa, nhất là về văn hóa ẩm thực, từ đó tăng cường sự chia sẻ, giúp đỡ, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp hai bên là những thế mạnh của nhau và tiềm năng hợp tác trong phát triển ngành halal tại Việt Nam.
Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài tiếp tục đến đầu tư hợp tác Việt Nam trên tinh thần ba cùng "cùng lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn thách thức; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động trong quá trình phát triển ngành halal cũng như là hệ sinh thái halal; cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển, cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào trong quá trình phát triển ngành halal trên tinh thần là "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, nhà nước".
Theo VOV