GIỚI THIỆU
CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH VIÊN
TIN TỨC - SỰ KIỆN
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online:
109
Số lượt truy cập:
353640
HAI MIỀN MỘT KHÁT VỌNG
Cập nhật lúc: 12:00 AM, ngày 26/03/2019

 Mới đây, Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Chính phủ Hàn Quốc (KOICA) tổ chức một khóa học tại Seoul dành cho cán bộ ngoại giao của các nước đối tác nhằm tìm hiểu và thúc đẩy hợp tác. Tham gia khóa học này, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Dư Hồng Quảng có bài về khát vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đất nước của biểu tượng sóng đôi

Tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc, Giáo sư Kim Seong Kon đưa hình ảnh cặp cá kissing gurami (cá hôn) lên màn hình trình chiếu và nói, đây là loài cá luôn bơi có đôi. Nếu một con chẳng may chết đi, con kia cũng sẽ chết theo. Ở nhiều nơi, đôi cá này còn được tạc thành tượng đá. Giáo sư Kim cho biết kissing gurami mang tính biểu tượng, thể hiện sự hòa hợp, tin cậy và đoàn tụ. Đây chính là khát vọng hòa bình, thống nhất của người dân hai miền Nam-Bắc Triều Tiên.

Cũng dễ thấy trong phim ảnh Hàn Quốc, các diễn viên, sa sỹ mặc đồ đôi  giống nhau. Như giày dép có đôi, mặc đồ đôi thể hiện sự quan tâm, gần gũi, không thể thiếu vắng nhau. Ở thủ đô Seoul, ngay trên nóc nhà Inyoung Gallery có một đôi gấu vàng lớn. Đây cũng là hình ảnh khá phổ biến ở Hàn Quốc. Theo truyền thuyết, người dân Hàn Quốc tin rằng họ là con cháu của mẹ gấu huyền thoại. Với sức chịu đựng và sinh tồn nơi giá rét, gấu trở thành vật tổ (totem) của nhiều dân tộc cổ xưa ở vùng Viễn Đông, trong đó có bán đảo Triều Tiên.

Đáng chú ý về biểu tượng đôi là bức tượng cao 18m tạc hai người lính Nam-Bắc Triều Tiên ôm nhau được đặt trong khuôn viên Đài tưởng niệm chiến tranh Hàn Quốc. Bức tượng mô tả cảnh người anh trai, một sĩ quan quân đội Hàn Quốc, và em trai của ông, một người lính Bắc Triều Tiên gặp nhau trên chiến trường. Dưới chân họ là một vết nứt dài và sâu ám chỉ sự chia cắt 2 miền Nam-Bắc. Tượng 2 anh em đứng trên sự chia cắt bi thương của đất nước vì họ là anh em ruột thịt trong một gia đình.

Hai anh em họ Lý

Tháng 4 năm nay, tôi đã gặp ông Lý Thừa Vĩnh trong đoàn Việt kiều tiêu biểu trên thế giới về nước thăm quần đảo Trường Sa. Tháng 7 vừa rồi, tại Hàn Quốc, ông đã đến thành phố Seongnam gặp lại tôi. Lý Thừa Vĩnh (tên Hàn Quốc  Lee Soung Young) là hậu duệ đời thứ 28 của Vua Lý Thái Tổ ở Việt Nam. Ông Vĩnh hiện là trưởng dòng họ Lý tại Incheon, Hàn Quốc. Dòng họ Lý của Việt Nam có mặt tại Triều Tiên từ thế kỷ 13. Hoàng tử Lý Long Tường (Lee Yong Sang) là hậu duệ đời thứ 6 của Vua Lý Thái Tổ, đã vượt biển sang bán đảo này, có công giúp vua Triều Tiên đánh bại giặc Mông Cổ xâm lăng. Vì vậy ngài được phong tước và lập vùng lãnh địa riêng mang tên Lee Clan of Hwasan (đất nhà họ Lý ở Hoa Sơn, nay thuộc Bắc Triều Tiên). Đến đời cha của Lý Thừa Vĩnh, vào những năm 50, chiến tranh Bắc-Nam Triều Tiên đã li tán gia đình họ Lý. Ông Lý Thừa Vĩnh ở miền Nam, còn em gái ông, cô Lý Xuân Hoa ở miền Bắc. Đất nước Việt Nam xa xôi là thế nhưng hàng năm ông Vĩnh vẫn về thăm dòng tộc và thắp hương tổ tiên mình tại tỉnh Bắc Ninh. Nam-Bắc Triều Tiên chỉ cách nhau một cây cầu nhưng từ ngày li tán đến nay, ông chưa một lần được gặp em gái ruột của mình.

Cầu vốn để nối liền đôi bờ, nhưng ở Triều Tiên, có một cây cầu chia cắt với cái tên đặc biệt “Bridge of No Return” (cầu một đi không trở lại). Năm 1953, tù binh chiến tranh được đưa tới cây cầu. Họ được thả tự do và được lựa chọn hoặc ở lại bên này, hoặc bước qua cầu để về nhà. Bước chân rất nặng vì nó định đoạt số phận. Họ sẽ không bao giờ được phép quay trở lại, một khi đã đặt chân sang phía bên kia cây cầu. Những người quyết định ở lại đã không bao giờ còn cơ hội để gặp lại gia đình mình.

Bước qua cây cầu đau thương

Có thể gặp những câu chuyện giống như gia đình ông Lý Thừa Vĩnh khi tham quan Bảo tàng chiến tranh Hàn Quốc. Chúng tôi rất chú ý bức ảnh đen trắng chụp một gia đình 6 người (trong đó có đứa trẻ còn ẵm ngửa) dắt díu nhau đến vĩ tuyến 38 nơi có biển báo chia đôi: nửa viết bằng tiếng Anh ghi “Nam Triều Tiên vùng do Mỹ quản lý”, nửa viết bằng tiếng Nga ghi “Bắc Triều Tiên vùng do Nga quản lý”. Những đứa trẻ trong bức ảnh giờ đã thành người già, nhưng giới tuyến 38 vẫn còn đó như một vết cắt chưa lành trên bán đảo Triều Tiên.

Ở phía Nam của vĩ tuyến, Chính phủ Hàn Quốc đã cho xây dựng Đài quan sát Dorosan Observatory. Mỗi ngày có rất đông người đến đây, khách quốc tế và cả người dân Hàn Quốc. Nhớ người thân ở miền Bắc, họ chẳng có cách nào khác là lên Đài quan sát để “mắt trừng gửi mộng qua biên giới”. Khách quốc tế như chúng tôi có thể chỉ đến đây một lần với nhu cầu tìm hiểu đơn thuần, nhưng trong số những ông già bà cả người Hàn đã mấy lần trở đi trở lại Đài quan sát kia, ai trong số họ sẽ có tâm trạng giống như “chiều chiều ra đứng bờ sông, ngóng về quê mẹ mà không có đò” ?

Nhưng một tín hiệu vui đã đến. Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nắm tay nhau bước qua ranh giới chia cắt 2 miền suốt 65 năm qua. Quan điểm chung sống hòa bình của Tổng thống Moon Jae-in đã được gửi tới từng học viên lớp ngoại giao chúng tôi. Trích lời Tổng thống Moon Jae-in: “Điều duy nhất mà chúng ta đang theo đuổi đó chính là hòa bình. Bán đảo Triều Tiên hòa bình là bán đảo không chịu sự đe dọa của vũ khí hạt nhân và chiến tranh, là bán đảo nơi Hàn Quốc và Triều Tiên công nhận và tôn trọng lẫn nhau, cùng chung sống yên vui, hạnh phúc. Chúng ta không mong muốn Triều Tiên bị xóa xổ, cũng không hướng đến sự thống nhất mà phải hợp nhất Triều Tiên bằng bất kỳ hình thức nào. Thống nhất là quá trình hai bên cùng tồn tại, cùng thịnh vượng và phục hồi cộng đồng dân tộc. Nếu nền hòa bình được thiết lập thì vào một lúc nào đó sẽ đạt được sự thống nhất một cách tự nhiên dựa trên những thỏa thuận giữa hai miền Nam-Bắc”.

Trên Đài quan sát Dorosan Observatory khắc dòng chữ nổi bật “End of Separation, Beginning of Unification”. Lời Tổng thống Moon Jae-in trích dẫn trên đây chính là thông điệp rõ ràng nhất để thực hiện khát vọng “chấm dứt chia cắt, bắt đầu đoàn tụ” nhắn gửi tới người dân hai miền Triều Tiên và toàn thế giới. 


Các tin khác:

Nhật Bản vinh danh ông Hoàng Bình Quân vì những đóng góp cho tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản

Quan hệ nhân dân Việt Nam – Nga và các nước SNG: rộng mở cơ hội hợp tác

70 kiều bào thăm Trường Sa, nhà giàn DK-I nhân kỷ niệm 49 năm thống nhất Tổ quốc

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2024: Có 128.000 lượt khách du lịch đến với Phú Thọ

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh lần thứ XVI

Báo cáo Nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Việt Nam cam kết thúc đẩy hoàn thành Các mục tiêu phát triển bền vững

Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Gần 70 đại biểu kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024

Ngày 7/5, Tòa phúc thẩm Paris sẽ xét xử vụ kiện chất độc da cam của bà Trần Tố Nga

TÌM KIẾM

VĂN BẢN MỚI
Quyết định 2418/QĐ-BTNMT năm 2010 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 - 2015

LỊCH
   

LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TỈNH PHÚ THỌ

 

 

 

Địa chỉ: Số 2187, đường Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ)

 

Điện thoại: 02103 851.555

 

Email: lhhnphutho@gmail.com